Với các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng với sự điều chỉnh phù hợp kịp thời đúng đối tượng, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có thêm lực đẩy để góp phần khôi phục nền kinh tế.
Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 vừa qua đã khiến cho đời sống, kinh tế-xã hội các địa phương khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, nguồn kinh phí của doanh nghiệp gần như cạn kiệt sau gần 4 tháng đầu tư vào trang thiết bị phục vụ sản xuất “3 tại chỗ.”
Chính vì vậy, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ để có thể phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.
Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-Ttg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành kịp thời trong thời điểm dịch bùng phát mạnh đã giúp doanh nghiệp giữ nguồn lao động trong giai đoạn khó khăn do ứng phó dịch bệnh.
Trước đó, khi dịch mới xuất hiện năm 2020, Chính phủ đã ban hành một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn ảnh hưởng dịch về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với doanh nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước…
Đối với lĩnh vực ngân hàng, ngay từ tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Đến ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư số 01. Sau 5 tháng kể từ khi ban hành Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01.
Với việc điều chỉnh thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng đến ngày 30/6/2022 thay vì đến ngày 31/12/2021 như trước đây đã tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ 23/2/2020 đến cuối tháng 10/2021, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng và cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch từ 0,5 - 1,5%, đạt hơn 7 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng khoảng 15.560 tỷ đồng, đạt 75,48% so với cam kết.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, cho biết triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang nhanh chóng thu thập thông tin các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh giải quyết hoặc kiến nghị Trung ương (nếu vượt thẩm quyền).
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có chính sách đưa nhanh gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 68/NQ-CP đến các đối tượng thụ hưởng, hoàn thành trước ngày 20/8. Sau thời điểm 30/8 là giai đoạn tập trung phục hồi và phát triển kinh tế.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Tỉnh Tiền Giang cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng công nghệ cao, an toàn. Các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các phương án “3 tại chỗ” cả trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, bao gồm nhiều kịch bản ứng phó trong từng tình huống gắn với phòng, chống dịch COVID-19, không để lúng lúng, mất kiểm soát trong bất kỳ tình huống nào...
Ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mạnh Thành Công, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ trong thời gian gần 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Chính phủ, công ty trả lương đầy đủ cho người lao động, gia tăng chi phí sản xuất "3 tại chỗ," dù nhà máy chỉ hoạt động nửa công suất, sản phẩm cũng giảm một nửa, khó tiêu thụ do các quy định về giãn cách xã hội gây khó khăn cho vận chuyển.
Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người lao động của Mạnh Thành Công vẫn nhận được kinh phí hỗ trợ từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Đồng Nai trong 3 đợt từ tháng 6/2021 đến tháng 9/2021, tùy theo thời gian làm việc của người lao động.
Thêm vào đó, Công ty Mạnh Thành Công cũng được ngân hàng xét giảm thuế vay vốn trong thời gian ứng phó dịch bệnh, từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm đến tháng 12/2021 để giúp doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất.
Mặc dù các tỉnh khu vực phía Nam nói riêng, cả nước nói chung hiện đang áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng linh hoạt trong tình hình mới của Chính phủ, nhưng mọi hoạt động vẫn không thể suôn sẻ như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang trong tình trạng báo động, nhiều địa phương công bố dịch bệnh COVID-19 lên cấp độ 4 như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang… điều này dẫn đến các hoạt động phát triển kinh tế và sản xuất còn chịu nhiều tác động.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn cao su Đức Minh, cho biết hiện nay Đức Minh chỉ cần nguồn vốn đáo hạn nợ cũ. Bởi nhiều doanh nghiệp đối tác cũng đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, khách hàng không thể trả nợ nhau nên công ty sẽ thiếu vốn xoay vòng cho phục hồi sản xuất.
Chính vì vậy, khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1,5%, cũng là sự hỗ trợ nhỏ cho doanh nghiệp. Trong lúc khó khăn do dịch bệnh, lãi suất ngân hàng thực sự là một nỗi lo lớn của doanh nghiệp.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đều đang trông chờ sự xét duyệt hồ sơ cho vay lãi suất thấp của các ngân hàng thương mại. Có được sự hỗ trợ này, các doanh nghiệp mới có thêm động lực khôi phục sản xuất, ứng phó với dịch bệnh lâu dài.
Về thực hiện Nghị quyết 68, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhìn nhận trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập khiến chính sách chưa kịp thời đến với các đối tượng khó khăn.
Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP. Ngày 6/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động sẽ được cắt giảm điều kiện; doanh nghiệp được nộp hồ sơ hỗ trợ đào tạo nghề thành nhiều đợt; mở rộng hỗ trợ người lao động; bổ sung hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
Với các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng với sự điều chỉnh phù hợp kịp thời đúng đối tượng, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có thêm lực đẩy để góp phần khôi phục nền kinh tế trong năm 2021./.