Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 7/12, bao gồm KDH, PLC và TCM.
PHS: Khuyến nghị mua dành cho KDH
Trong quý III, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE:
KDH) ghi nhận doanh thu đạt gần 1.200 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 316 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ.
Gộp chung 3 quý năm 2021,
KDH ghi nhận doanh thu đạt 3.147 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 790 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 65% kế hoạch doanh thu và kế hoạch lợi nhuận năm.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, cuối quý III, dự án mới Classia (tên cũ là Armena, quy mô 4,3ha) tại TP. Thủ Đức, TP. HCM đã được khởi công, dự kiến phát triển thành 176 căn nhà phố. PHS kỳ vọng dự án này sẽ mở bán vào cuối quý IV/2021.
Bên cạnh đó, cũng trong quý IV,
KDH sẽ tập trung triển khai 1 dự án thấp tầng tại TP. Thủ Đức là Clarita (5,7 ha) cùng với một dự án chung cư có diện tích 1,8 ha tại quận Bình Tân (có thể dời sang năm 2022).
Năm 2021, PHS dự phóng doanh thu của
KDH đạt 4.789 tỷ đồng (tăng 6% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.174 tỷ đồng (tăng 2%).
Với giả định dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, PHS kỳ vọng các hoạt động kinh doanh của
KDH sẽ dần được phục hồi và tích cực hơn từ quý IV/2021. Bước sang năm 2022,
KDH dự kiến sẽ đẩy mạnh mở bán các dự án Classia, chung cư 158A, khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Claria và 11A.
Công ty chứng khoán này ước tính doanh thu năm 2022 của
KDH đạt 5.427 tỷ đồng (tăng 13,3% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.368 tỷ đồng (tăng 16,5%).
Về dài hạn, với điểm mạnh sở hữu quỹ đất sạch, rộng lớn hơn 650 ha tại quận 2, quận 9 và huyện Bình Chánh (TP. HCM), động lực tăng trưởng của
KDH là tương đối rõ nét.
Các dự án đầy đủ về mặt pháp lý như Classia, Clarita, chung cư 150 An Dương Vương được
KDH mở bán trong giai đoạn 2021 - 2022, sẽ là nguồn đóng góp chính doanh thu và lợi nhuận cho
KDH trong 3 năm tới.
Cũng trong dài hạn, các quỹ đất lớn tại các dự án Tân Tạo và Phong Phú 2 sẽ là động lực tăng trưởng cho
KDH.
Sử dụng phương pháp định giá NAV, PHS cho rằng giá trị hợp lý dành cho cổ phiếu
KDH là 55.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 28% so với thị giá hiện tại. Do đó, khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
SSI: Khuyến nghị khả quan đối với PLC
Trong quý III, các đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (HNX:
PLC), kéo lợi nhuận sau thuế đã giảm một nửa cùng kỳ còn 21,6 tỷ đồng, trong khi doanh thu vẫn ghi nhận tăng trưởng 6% cùng kỳ, lên 1.430 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp của mảng dầu nhờn và nhựa đường suy giảm khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn.
Dù vậy nhờ giai đoạn bán niên khởi sắc, lũy kế 9 tháng,
PLC ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.870 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 147 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,5% và 18,5% so với cùng kỳ, hoàn thành được 57% và 82,5% kế hoạch cả năm.
Sau 3 quý, tổng doanh thu mảng dầu nhờn đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 11,5% cùng kỳ với giá bán tăng cao hơn, hưởng lợi từ xu hướng giá dầu thế giới tăng mạnh. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp lại giảm khá sâu (gần 29%).
Trong khi đó, mảng nhựa đường đem về 1.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 1,8% cùng kỳ. Xét riêng quý III, sản lượng bị ảnh hưởng khá mạnh từ Covid-19, đồng thời
PLC phải hạ giá bán cho khách hàng để đẩy hàng tồn kho.
Công ty Chứng khoán SSI (SSI) ước tính doanh thu nhựa đường sẽ tăng trở lại ở những tháng cuối năm 2021, vì đó là mùa cao điểm giải ngân vốn đầu tư công trong năm, chưa kể nhu cầu bị dồn nén từ quý III sẽ được giải phóng.
Mảng hóa chất có mức tăng mạnh nhất, tới 80% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm, dựa trên mức nền thấp của năm ngoái. Trong kỳ, các khách hàng sản xuất của
PLC (trong lĩnh vực giày dép, sơn, dệt may, nhựa…) đã đẩy mạnh sản xuất với sự trở lại của các đơn đặt hàng mới. Nhưng điểm thiếu tích cực đó là biên lợi nhuận gộp mảng này đã bị thu hẹp từ 9,3% xuống 5,3%.
Năm 2021, SSI dự báo lợi nhuận sau thuế của
PLC ở mức 207 tỷ đồng, tăng 40% cùng kỳ; năm 2022, SSI duy trì dự báo khả quan với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 41% cùng kỳ, chủ yếu đóng góp từ mảng nhựa đường.
Về dài hạn, công ty chứng khoán này cho rằng lợi nhuận của
PLC sẽ được thúc đẩy trong giai đoạn 2021 - 2025 nhờ mảng nhựa đường từ chu kỳ đầu tư công mới ở Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận ròng là 14%.
Hiện SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu
PLC với giá mục tiêu 47.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời là 24% (bao gồm 5% tỷ suất cổ tức).
Yuanta: Khuyến nghị bán đối với TCM
Kết thúc 9 tháng năm 2021, doanh thu của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE:
TCM) đạt 2.707 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 64% kế hoạch năm nay. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 119 tỷ đồng, thấp hơn 41% cùng kỳ và xấp xỉ 42% kế hoạch cả năm.
Được biết, thị trường trọng điểm của
TCM là Mỹ và Hàn Quốc. Doanh thu của hai thị trường này lần lượt đạt 33,2 triệu USD và 32 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, chiếm 29% và 28% tổng doanh thu giai đoạn nay. Trong kỳ, lợi nhuận suy giảm là do chi phí hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" và áp lực chi phí vận chuyển gia tăng, đã làm giảm khá mạnh biên lãi ròng của
TCM.
Hồi tháng 4/2021,
TCM đã đầu tư xây dựng nhà máy may số 2 tại Vĩnh Long. Đó là nhà máy có công suất 12 triệu sản phẩm/năm, đi vào hoạt động sẽ tăng công suất may thêm 50% lên 36 triệu sản phẩm/năm trong năm 2022.
TCM cũng có kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm và đan của dự án Vĩnh Long trong năm 2022, sau khi hoàn thành sẽ tăng thêm 33% công suất vải đan và 50% công suất vải dệt.
Trước đó, trong năm 2019,
TCM đã gia nhập chuỗi giá trị của Adidas, việc nhà máy Vĩnh Long số 2 đi vào hoạt động sẽ giúp
TCM tháo gỡ thách thức trong năm 2019.
Bên cạnh đó,
TCM được kỳ vọng hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành. Chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho
TCM đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA.
Dù vậy, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta), giá cổ phiếu
TCM đang cho thấy tín hiệu khá rủi ro. Cụ thể, mức stock rating của
TCM ở mức 72 điểm, cho nên Yuanta đánh giá trung tính mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của
TCM đóng cửa phiên 6/12 giảm sàn, ngang ngửa đường trung bình 50 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho thấy đồ thị giá có thể giảm dưới đường trung bình 50 phiên.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức giảm và mức hỗ trợ ngắn hạn gần nhất là 68.000 đồng/cổ phiếu. Yuanta cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét bán và quan sát cổ phiếu
TCM.