Tính đến 15h ngày 25/2, diện tích có nước trung bình toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 517.173ha, đạt 99% kế hoạch.
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2020-2021 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, ngày 25/2 là ngày cuối cùng của đợt 3 lấy nước, tuy nhiên mực nước sau đợt 3 vẫn duy trì được ở mức đảm bảo cho các trạm bơm dã chiến vận hành lấy nước.
Tính đến 15h ngày 25/2, diện tích có nước trung bình toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 517.173ha, đạt 99% kế hoạch.
Hiện tại trong khu vực chỉ còn thành phố Hà Nội đạt 97,3% và Hải Dương đạt 95,4%. Tỉnh Hải Dương có khoảng 2.500ha tại huyện Kinh Môn có thời vụ gieo cấy muộn và chủ động nguồn nước, không phụ thuộc vào việc điều tiết nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Thành phố Hà Nội còn các huyện Quốc Oai đạt 83,5%, còn lại 709ha; Ba Vì đạt 94%, còn lại 390ha; Thạch Thất 92,3%, còn lại 308ha và Phúc Thọ 98%, còn lại 56ha đang tiếp tục vận hành công trình thủy lợi lấy nước từ dòng chảy bổ sung của các hồ chứa thủy điện.
Về tình hình nguồn nước, tính đến 16h ngày 25/2, mực nước trung bình tại Trạm Thủy văn Sơn Tây đạt 1,93m, cao nhất đạt 2,1m (lúc 11h), đảm bảo cho các trạm bơm dã chiến của thành phố Hà Nội hoạt động hiệu quả.
Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là thành phố Hà Nội tiếp tục tiếp tục vận hành các công trình thủy lợi để cấp nước hoàn thành cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch.
Các đơn vị tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng; đồng thời tăng cường vận động, hướng dẫn người dân phối hợp với đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức lấy nước, thực hiện các biện pháp giữ nước trên ruộng, gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát, lãng phí nước.
Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp thực hiện xả nước để bảo đảm mực nước cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước./.