Tiêu thụ ôtô tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm tăng 53% đạt 92.892 xe.
Giá cao su thiên nhiên tăng cao, Casumina đã 2 lần điều chỉnh giá bán lốp, mỗi lần 3%.
Cao su Đà Nẵng sẽ triển khai nhà máy lốp radial giai đoạn 2 vào quý IV năm nay, công suất tăng từ 600.000 lên 1 triệu chiếc.
Nhu cầu ôtô phục hồi mạnh ở Mỹ và Trung Quốc
Với các gói kích thích kinh tế, lãi suất giảm, nhu cầu phương tiện cá nhân tăng cao trong thời dịch bệnh và triển vọng vắc xin, tiêu thụ ôtô của Mỹ đã tăng đáng kể trong quý đầu năm. Nhiều hãng xe nội tiếng ghi nhận doanh số bán xe tăng trưởng ở mức 2 con số như Toyota, Hyundai, Nissan, Sabaru, Kia…
Theo Wall Street Journal, tăng trưởng sản lượng xe mới tại Mỹ đạt tốc độ cao nhất trong hơn một thập kỷ vào mua xuân. Tuy nhiên, sản xuất đang không theo kịp tiêu dùng do thiếu chất bán dẫn.
Trong khi đó, sức mua của thị trường ôtô Trung Quốc cũng tăng. Theo dữ liệu của Hiệp hội các nước sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM), doanh số xe con trong quý I đạt hơn 5 triệu chiếc, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, thị trường ôtô ở các quốc gian Nam Á và Đông Nam Á cũng rất cải thiện như doanh số của Ấn Độ tăng 127% đạt 141.139 xe. Tại Việt Nam, báo cáo của Hiệp hội ôtô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán của toàn thị trường tính đến tháng 4 đạt 92.892 xe, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xe ôtô du lịch đạt 68.369 xe, tăng 54%; xe tải đạt 23.345 xe, tăng 50%.
Đơn vị: chiếc
Thị trường ôtô phục hồi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp cao su, săm lốp đẩy mạnh doanh số, bù đắp việc giá cao su thiên nhiên tăng cao thời gian qua.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo tiếp nối đà tăng mạnh từ cuối năm 2020 lên mức 335 JPY/kg vào đầu tháng 2, gấp 2,6 lần mức đáy thiết lập tháng 4/2020. Sau đó, giá cao su giảm nhưng vẫn duy trì mức cao ở vùng 250 JPY/kg, tăng gần 80% so với mức bình quân quý I/2020.
Diễn biến giá cao su kỳ hạn tại sàn Tokyo trong 1 năm qua. Nguồn: https://tradingeconomics.com/
Giá cao su là nguyên liệu chính cho sản xuất săm lốp, mặt hàng này cùng với than đen và các loại hóa chất chiếm tỷ trọng đến 70-75% chi phí nguyên liệu trong cơ cấu sản xuất của các doanh nghiệp.
Doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp săm lốp cùng tăng
Cao su Đà Nẵng (HoSE:
DRC) ghi nhận doanh thu quý I đạt 912 tỷ đồng, tăng 13,6%; lãi sau thuế 64 tỷ đồng, tăng 70,5%. Doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng, chi phí khấu hao cùng chi phí tài chính giảm là các yếu tố thúc đẩy lợi nhuận. Nhà máy radial giai đoạn 1 đã hết khấu hao từ cuối năm 2020. Đồng thời, đánh giá sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ lực tốt nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, doanh nghiệp đã chủ động tích trữ hàng tồn kho giá rẻ.
Ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng báo cáo nhu cầu thị trường cao su và săm lốp hiện nay ngày càng tăng, việc sử dụng lốp bố thép cũng như các loại săm yếm ôtô, xe máy ngày càng nhiều và phát triển. Đồng thời, hiệp định CPTPP mang lại cho ngành cao su Việt Nam nhiều cơ hội với lộ trình giảm thuế về 0% trong vòng 16 năm. Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang các nước có nền công nghiệp chế biến cao su chưa phát triển nhiều như Peru, Chile, New Zealand, Australia… Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu tháng 3/2018, lốp Trung Quốc không được xuất khẩu vào Mỹ tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối.
Cao su Đà Nẵng đang xuất khẩu đi thị trường Mỹ đạt 13.000-15.000 lốp radial mỗi tháng. Đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu cho ra những sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu và tính chất của thị trường hơn để gia tăng lượng xuất khẩu lên hơn 20.000 lốp/tháng.
Xuất khẩu đóng góp 46% vào cơ cấu doanh thu Cao su Đà Nẵng năm 2020, tăng so với mức 43% năm trước. Thị trường chính là châu Á, đóng góp 29,2% tổng doanh thu, tiếp theo là châu Mỹ với tỷ lệ 12,7%.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, lãnh đạo công ty trình bày kế hoạch đầu tư nâng công suất lốp radial từ 600.000 chiếc lên trên 1 triệu chiếc, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận từ 2024 do nhà máy hiện tại đã đạt công suất tối đa.
Theo Chứng khoán SSI, doanh nghiệp từng đề xuất kế hoạch này vào năm 2019 và tài trợ bằng tăng vốn nhưng bị Vinachem (sở hữu 51% vốn) từ chối do bị pha loãng tỷ lệ sở hữu. Do đó, trong kế hoạch mới, doanh nghiệp sẽ dùng nguồn lợi nhuận giữ lại và vay ngân hàng để tài trợ dự án, dự kiến thời gian xây dựng từ quý IV năm nay đến quý II/2024.
Đơn vị: tỷ đồng
Casumina (HoSE:
CSM) báo cáo doanh thu quý I tăng 14,3% đạt 1.079 tỷ đồng; lãi sau thuế 13,3 tỷ đồng, tăng 5%. Lợi nhuận tăng không tương xứng với mức tăng doanh thu là do doanh nghiệp trích lập quỹ lương cao hơn cùng kỳ khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 31 tỷ đồng lên 73,3 tỷ đồng.
Lãnh đạo Casumina cho biết trước việc giá cao su thiên nhiên tăng cao từ quý III/2020 đến nay, doanh nghiệp cũng đã có 2 lần điều chỉnh giá bán trong tháng 12/2020 và tháng 4/2021, mỗi lần tăng 3%. Theo đó, mức biên lợi nhuận quý II kỳ vọng bằng quý I nhưng không thể bằng nửa cuối năm 2020.
Trong khi đó, với chiến lược phát triển thị trường nội địa, công ty đầu tư thêm hệ thống DMS cho ngành hàng xe đạp, xe máy, triển khai bán hàng xuống cấp 2 cùng triển khai các trung tâm dịch vụ lốp Advenza làm chi phí gia tăng.
Về hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp đẩy mạnh sang một số thị trường mới như Nam Mỹ và Đông Âu, các thị trường hiện tại gộp Brazil, Ấn Độ và Mỹ. Doanh thu xuất khẩu năm 2020 tăng 12% so với năm trước nhờ sản lượng nhóm lốp radial, chiếm tỷ trọng 60%. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ của Casumina bị hạn chế do phải chịu thuế khoảng 29% bao gồm thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp chính phủ.
Theo BCTC quý I, Cao su Sao Vàng (HoSE:
SRC) ghi nhận doanh thu tăng 32% đạt 265 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 38% đạt 10 tỷ đồng.
Điểm hạn chế của Cao su Sao Vàng là chưa sản xuất được sản phẩm lốp radial như Casumina hay Cao su Đà Nẵng trong khi xu hướng hiện nay là chuyển đổi lốp ôtô từ bias sang radial. Do vậy, mảng kinh doanh săm, lốp ôtô của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng mảng săm, lốp xe đạp thì vẫn khả quan.