• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 12:54:03 SA - Mở cửa
VN30-Index vượt 1.400 điểm và bỏ xa VN-Index, tuy nhiên rủi ro dần tăng lên?
Nguồn tin: Người đồng hành | 20/05/2021 2:37:33 CH
VN30-Index tiếp tục vươn lên mức cao mới khi vượt mốc 1.400 điểm trong phiên 19/5 và bỏ xa VN-Index đến hơn 139 điểm.
Sự phân hóa trong nhóm VN30 diễn ra khi không tất cả cổ phiếu ở "rổ" chỉ số này đều tăng giá.
Đa phần các cổ phiếu tăng giá mạnh trong nhóm VN30 đều có câu chuyện riêng như HPG, STB, MSN, TCB...
 
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/5, VN30-Index đóng cửa ở mức kỷ lục với 1.402,71 điểm, tương ứng tăng 30,9% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, VN-Index đóng cửa ở mức 1.262,49 điểm, tương ứng chỉ tăng 14,4% so với số cuối năm 2020 và kém VN30-Index hơn 139 điểm.
 
Như vậy, mức tăng của VN30-Index vượt trội so với chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam là VN-Index. Điểm số của VN30-Index cũng đã bỏ xa so với VN-Index.
 
Trước đó, VN-Index thường xuyên cao hơn VN30-Index và gần như đi song song nhau. VN30-Index chỉ mới vượt qua được VN-Index vào phiên 2/2. Tuy nhiên, kể từ 25/3, hai chỉ số ngày càng gia tăng khoảng cách do VN30-Index tăng tiếp 20,4% trong khi VN-Index chỉ tăng vỏn vẹn 8,5%.

 
Diễn biến VN-Index và VN30-Index. Nguồn: FireAnt.
 
VN30 gồm 30 cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM với những yêu cầu về vốn hóa, thanh khoản...hiện chiếm 71,6% tổng vốn hóa sàn HoSE. VN30-Index tăng giá rất mạnh thời gian qua là nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu như NVL của Novaland (HoSE: NVL), VPB của VPBank (HoSE: VPB), STB của Sacombank (HoSE: STB), HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG)...
 
Thống kê 30 cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 từ phiên 25/3 đến nay, có 20 cổ phiếu tăng giá, trong đó 11 mã tăng trên 20%. NVL tăng mạnh nhất nhóm này với 77,5%, VPB tăng 59,4%, STB tăng 52%, HPG tăng 47%...
 
 
Bên cạnh đó, bộ 3 cổ phiếu họ "VIC" là VIC của Vingroup (HoSE: VIC), VHM của Vinhomes (HoSE: VHM) và VRE của Vincom Retail (HoSE: VRE) - có mức tăng khiêm tốn, thậm chí giảm - bị giới hạn tỷ trọng trong VN30-Index. Theo quy định, giới hạn vốn hóa một nhóm cổ phiếu có liên quan là 15% nên tác động của bộ 3 "quyền lực" nhất đối với VN-Index nói trên đã bị giảm đi rõ rệt trong "rổ" VN-30.
 
Dòng tiền đa phần chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu trụ cột trong nhóm VN30 trong khi rất nhiều cổ phiếu lớn nhỏ khác chìm trong sắc đỏ. Điều này dẫn tới tình trạng thị trường nhiều phiên giao dịch xảy ra tình trạng VN-Index "xanh vỏ đỏ lòng".
 
Thanh khoản VN30-Index từ đầu phiên 25/3 đến nay tăng vọt với tổng khối lượng khớp lệnh bình quân ở mức 277,8 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 27% so với thời điểm từ cuối năm 2020 đến phiên 24/3, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 38,3% lên mức 9.794 tỷ đồng/phiên. Trong khi khối lượng khớp lệnh bình quân của VN-Index cùng thời điểm tăng chỉ 9,7% lên 670 triệu/phiên, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 22% lên mức 17.263 tỷ đồng/phiên.
 
Theo báo cáo chiến lược tháng 5 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đơn vị này cho rằng dòng vốn từ quỹ Fubon ETF và quỹ mới liên quan đến Dragon Capital sẽ là yếu tố dẫn dắt nhóm cổ phiếu VN30. Đầu tháng 5, giá trị tài sản ròng của quỹ quỹ Fubon đã tăng từ 119 triệu USD lên 309 triệu USD, tương ứng tăng 62% chỉ trong 1 tháng. Một thông tin đáng chú ý khác đến từ Vietnam DC25 Ltd., một quỹ liên quan đến Dragon Capital, đăng ký mua 100 triệu chứng chỉ quỹ từ quỹ VFMVSF từ ngày 4/5 đến 2/6. Vào ngày 27/4, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ của VFMVSF là 11.931 đồng, do đó gần 1.200 tỷ đồng được ước tính sẽ chảy vào thị trường - chủ yếu ở các cổ phiếu nhóm VN30. Ngoài ra, việc dòng tiền tiếp tục vào quỹ ETF VN Diamond trong 4 tháng liên tiếp với tổng giá trị là 111 triệu USD sẽ là tiền đề hỗ trợ nhóm VN30 trong thời gian tới.
 
Theo phân tích của ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nguyên nhân của việc phân hóa mạnh ở nhóm VN30 trong đó có một số cổ phiếu bứt phá hẳn so với mặt bằng chung là do đến từ những câu chuyện riêng của các doanh nghiệp. Ví dụ như Hòa Phát sắp đến ngày chốt quyền cổ tức, Sacombank liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu trong năm nay và câu chuyện này còn kéo dài. VPBank vừa bán vốn tại FE Credit hay các câu chuyện của Masan Group (HoSE: MSN), Techcombank (HoSE: TCB)...
 
Bên cạnh đó, ông Minh đánh giá một số cổ phiếu ngân hàng tăng nhờ câu chuyện riêng chứ không phải đi theo xu hướng chung của cả ngành. Kết quả kinh doanh của ngành này đã được phản ánh vào giá.
 
Dù vậy, việc tăng giá của nhiều cổ phiếu trụ cột theo hướng có câu chuyện riêng như trên được cho là không bền vững khi dư địa tăng của các cổ phiếu trụ cột không còn nhiều. Một điểm đáng chú ý tiếp theo là VN30-Index tăng bất chấp việc khối ngoại bán ròng liên tục với khối lượng rất lớn các cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số này như HPG, VPB, CTG...Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chung đã giảm xuống dưới 20%, trong khi tỷ lệ nhà đầu tư trong nước chiếm tỷ lệ cao và chủ yếu là cá nhân. Điều này dẫn đến rủi ro biến động lớn của thị trường. Theo ông Minh có thể thời gian tới khả năng nhà đầu tư có thể chứng kiến thêm một phiên VN-Index giảm trên 7% như hồi đầu năm 2021.
 
Tuy nhiên, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta lưu ý từ năm ngoái, xu hướng của khối ngoại không phải là chỉ báo của thị trường. Nguyên nhân lớn nhất của việc rút ròng này đến từ việc chuyển dịch dòng vốn từ các thị trường mới nổi sang các nước phát triển - nơi được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi nhanh hơn sau dịch bệnh.
 
Một điểm rủi ro khác là nhà đầu tư cá nhân thường thiên về "lướt sóng". Trong khi đó, với bối cảnh các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng vốn rất nhiều như ở thời điểm hiện tại thì việc thiếu vắng đi nhà đầu tư tổ chức sẽ khiến việc phát hành có thể gặp khó khăn hơn. Nhà đầu tư cá nhân chưa chắc đã ưu thích việc nói trên nên trong lịch sử đã xảy ra những đợt bán trước các đợt phát hành.