• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.234,70 +6,60/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.234,70   +6,60/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,25   +0,96/+0,43%  |   UPCOM-INDEX   91,82   +0,12/+0,13%  |   VN30   1.291,94   +5,87/+0,46%  |   HNX30   471,74   +3,77/+0,81%
25 Tháng Mười Một 2024 9:22:51 CH - Mở cửa
Thấy gì khi Thaco 'lấy đà' hơn 10 năm vẫn chưa thể 'xuất phát'
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 21/05/2021 8:25:59 SA
Việc Thaco bất ngờ bị hủy tư cách công ty đại chúng do không đáp ứng đủ điều kiện theo Luật chứng khoán mới đang gây ra nhiều suy tư cho các nhà đầu tư. Nhất là những nhà đầu tư đã trót mua cổ phần của doanh nghiệp để chờ “đón sóng” lên sàn.
 
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng đối với CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) kể từ ngày 1/1/2021.
 
Nguyên nhân là do tại thời điểm chốt danh sách cổ đông ngày 3/3/2021, Thaco có 2.172 cổ đông, trong đó cổ đông nhỏ lẻ sở hữu chưa tới 3% tổng số cổ phần biểu quyết của Thaco. Trong khi, theo Luật chứng khoán 2019, công ty đại chúng là đơn vị có vốn góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ.
 
Bước thụt lùi về sự minh bạch
 
Hiện, cơ cấu cổ đông của Thaco khá cô đặc với phần nhiều cổ phần nằm trong tay các cổ đông lớn lên tới 97,3%. Trong đó, nắm cổ phần chi phối là Công ty Trân Oanh với 59,3% vốn; ông Trần Bá Dương nắm 6,7% vốn; vợ ông Dương là bà Viên Diệu Hoa (Thành viên HĐQT) nắm 5% vốn; cổ đông ngoại nắm 26,3% vốn.

 
Cơ cấu cổ đông của Thaco khá cô đặc khi phần lớn cổ phần thuộc về sở hữu của gia đình ông Trần Bá Dương.
 
Cũng phải nhắc lại là trước Thaco, cũng đã từng có nhiều doanh nghiệp tên tuổi thực hiện hủy đăng ký công ty đại chúng như CTCP Đầu tư Alphanam (Alphanam), Tổng CTCP Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), CTCP Quốc tế Gốm sứ Việt, CTCP Muối Khánh Hòa, CTCP Toa xe Hải Phòng...
 
Thực tế, khi không còn là công ty đại chúng, Trường Hải sẽ không còn nghĩa vụ công khai các chỉ tiêu kinh doanh và tài chính thời gian tới. Như vậy, không còn chịu các nghĩa vụ và kiểm soát, các quyết định về chiến lược kinh doanh cũng dễ dàng được lãnh đạo doanh nghiệp quyết định hơn. 
 
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí sẽ phải hối hận. Theo đó, các cổ đông trong công ty chưa đại chúng sẽ không dễ dàng bán hoặc định giá số cổ phần họ đang nắm giữ. Đặc biệt, khi nền kinh tế diễn biến xấu và họ cần tiền mặt. Ngoài ra, việc thông tin hoạt động không được công bố định kỳ cũng khiến uy tín của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn tới khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
 
Ngoài ra, theo đánh giá của trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán, việc doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn trở thành công ty đại chúng là một bước lùi về tính minh bạch và hoạt động kinh doanh.
 
Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh IPO, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì việc hủy đăng ký đại chúng là đi ngược lại xu hướng chung.
 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dừng đại chúng hóa cũng khiến các cổ đông nhỏ lẻ bị thua thiệt khi mất đi “kênh” nắm bắt thông tin để phản biện với lãnh đạo công ty, thậm chí có thể bị ảnh hưởng quyền lợi khi tính minh bạch của doanh nghiệp bị hạn chế.
 
Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, dù việc trở thành công ty đại chúng có thể giúp doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích nhưng nó lại cho phép bất kỳ ai, từ một nhà quản lý quỹ đầu tư cho tới người chơi tay ngang có khả năng sở hữu doanh nghiệp, thậm chí nhà đầu tư có thể quay lưng với họ bất cứ lúc nào chỉ với một biến cố nhỏ.
 
Nỗi niềm nhà đầu tư
 
Được biết, thông tin Thaco sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán đã được xuất hiện từ những năm 2010 khi doanh nghiệp này cho biết đã nộp hồ sơ đăng ký 250 triệu cổ phiếu lên Sở GDCK TP.HCM (HoSE).
 
Tại thời điểm đó, Thaco là ngôi sao của ngành công nghiệp ô tô với chuỗi giá trị đầy đủ từ tổ hợp lắp ráp sản xuất đến một hệ thống phân phối mạnh, là công ty số 1 về tiêu thụ dòng xe thương mại với 28% thị phần và đứng vị trí thứ 4 về tiêu thụ dòng xe du lịch (chiếm 9% thị phần trong VAMA).
 
Vị thế đó khiến cho cổ phiếu Thaco được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quan tâm, trong đó có CTCK VietinbankSc (CTS). Theo đó, công ty này đã mua gần 2 triệu cổ phiếu Thaco với giá gốc là 72 tỷ đồng, tương đương 37.000 đồng/cp.
 
Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này lại dừng lại, đến năm 2017 thị trường lại rục rịch thông tin về việc doanh nghiệp sẽ khởi động lại kế hoạch lên sàn. Giá cổ phiếu của Thaco trên OTC thời điểm đó đã tăng mạnh lên tới 150.000 đồng/cp.
 
Thế nhưng, một lần nữa kịch bản cũ lại lặp lại, thông tin trở thành công ty đại chúng của Thaco gần như chắc chắn lại khiến các nhà đầu tư xôn xao, nhiều người còn lựa chọn phương án “đón đầu” bằng cách tích cực gom mua cổ phiếu của doanh nghiệp trên OTC.
 
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thông tin không trở thành công ty đại chúng như một “gáo nước lạnh” đổ vào các nhà đầu tư, bởi giai đoạn sau đó khó có thể mua bán được mã cổ phiếu này.
 
Mới đây, trên một diễn đàn lớn của các nhà đầu tư chứng khoán, đã có không ít nhà đầu tư phải đăng đàn về việc “không biết làm thế nào” với số cổ phần Thaco đã mua trước đó. Người khuyên nắm giữ đầu tư dài hạn chờ “một ngày đẹp trời” giống như VietinbankSC đã thu về được khoản lãi gấp nhiều lần sau 6 năm nắm giữ, chưa kể cổ tức được nhận hàng năm.
 
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc không trở thành công ty đại chúng của Thaco là theo đúng “quy trình” của doanh nghiệp và câu chuyện lên sàn có lẽ vẫn còn khá xa. Bài học trong quá khứ đã chỉ rõ, Thaco đã “lấy đà” trong suốt hơn 10 năm mà vẫn chưa thể “xuất phát”.
 
Đặc biệt, trong lộ trình tái cấu trúc công ty, Thaco không hề nhắc tới kế hoạch niêm yết mà sẽ thành lập một pháp nhân mới là Thaco Group hoạt động theo mô hình holdings với hai "mũi nhọn" là nông nghiệp và bất động sản cùng các đơn vị hỗ trợ là các doanh nghiệp trong ngành logistic, thương mại.