Dịch COVID-19 ở thị trường châu Âu và Mỹ đang dần được khống chế sẽ là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Việc cần làm của ngành là xây dựng chính sách hỗ trợ cho các hình thức liên kết chuỗi trong khai thác, nuôi trồng thủy sản; đồng thời củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã (HTX) tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tổng cục Thủy sản cho biết năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 101,1% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn, bằng 93,6%; sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn, bằng 107,4% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với năm 2020, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 35-37%.
Nhu cầu sẽ tăng mạnh
Những tháng đầu năm 2021, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đang ngày càng rõ rệt. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản trong quý II sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức 10% và khả năng đạt 2,1 tỷ USD, đặc biệt tôm và hải sản sẽ là những sản phẩm tiếp tục có sự tăng trưởng khá.
Xuất khẩu thủy sản đang có nhiều cơ hội khi thị trường hồi phục trong giai đoạn hậu COVID-19.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, hiện các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu. Các nước khu vực châu Á và một số nước sản xuất cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan vẫn đang đối phó với dịch COVID-19 nghiêm trọng. Đây sẽ cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu giành thị phần.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nhiều nước đã đẩy mạnh mở rộng tiêm phòng vắc xin COVID-19, do vậy thị trường sẽ có cơ hội phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Dù dịch bệnh bùng phát trở lại, Việt Nam cũng đang kiểm soát tốt tình hình, không để đứt gãy sản xuất. Đây là điều kiện tốt để ngành thủy sản Việt Nam cạnh tranh với các nước đối thủ đang gặp khó khăn vì COVID-19, là cơ hội cho Việt Nam tổ chức sản xuất để xuất khẩu vào các thị trường lớn.
"Khi các chuỗi sản xuất lương thực thực phẩm của thế giới bị đứt gãy, việc Việt Nam chống dịch COVID-19 tốt là yếu tố để doanh nghiệp (DN) phát huy và tăng tốc sản xuất chuẩn bị cung cấp thủy sản cho các thị trường trong giai đoạn sau dịch bệnh", ông Tiến đánh giá.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội trong giai đoạn thị trường hồi phục, ngành thủy sản cần phải nỗ lực hơn nữa. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam hiện có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác; có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống phơi khô, làm mắm, đông lạnh, phi lê, đồ hộp...
Song, điều khiến Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lo ngại là nguồn lợi thủy sản suy giảm, cường lực khai thác vẫn ở mức cao trong thời gian qua dẫn đến hiệu quả sản xuất của nghề khai thác hải sản giảm, nhưng công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác chưa được nhiều.
Do vậy, trong thời gian tới, ngành thủy sản cần thu hút các DN đầu tư phát triển khai thác thủy sản; hình thành một số DN, tập đoàn lớn để hợp tác khai thác viễn dương. Bên cạnh đó, cần củng cố, đổi mới các tổ, đội, HTX; tổ chức sản xuất, nuôi trồng theo chuỗi giá trị. Khuyến khích các địa phương xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các hình thức liên kết chuỗi trong khai thác thủy sản phát triển.
Đẩy mạnh liên kết, ứng dụng công nghệ
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều mô hình nuôi thủy sản đã và đang phát huy được rất nhiều hiệu quả. Đơn cử như tỉnh Cà Mau có phát triển hơn 36.000ha đất sản xuất kết hợp giữa mô hình tôm - lúa tại huyện Thới Bình và U Minh. Trong đó, mô hình của HTX dịch vụ - sản xuất lúa tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) được thành lập vào năm 2018 hiện đã có vùng nguyên liệu hơn 500ha từ diện tích vài chục ha ban đầu.
Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX dịch vụ - sản xuất tôm Trí Lực chia sẻ, trước đây người dân luôn muốn tự quyết định sẽ làm gì trên đất của mình thay vì làm theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, khi nhận thấy giá thu mua lúa, tôm thấp hơn so với việc vào HTX, liên kết với DN, bà con nông dân đã thay đổi tư duy, xin vào HTX để sản xuất theo quy trình.
Liên kết giữa người dân và DN tại HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa tôm Trí Lực đã tạo ra sản phẩm lúa hữu cơ, tôm sinh thái. Đây chính là ưu điểm lớn nhất của mô hình tôm - lúa và là điều kiện mà DN rất cần để xuất khẩu.
Được biết, vừa qua, lãnh đạo tỉnh Càu Mau đã cùng CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú và CTCP Tập đoàn Lộc Trời đi khảo sát thực tế và có những thống nhất để hợp tác phát triển sản xuất tôm - lúa trên địa bàn huyện Thới Bình. Đại diện CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú mong muốn hợp tác với các hộ dân để cùng phát triển, và việc tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất sẽ giúp người dân đạt lợi nhuận tốt hơn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cũng cho rằng, muốn phát triển bền vững, ngành thủy sản cần áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu cá; giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch đến năm 2030 dưới 10%; đảm bảo an toàn thực phẩm cho tàu cá, điều kiện sống và làm việc của thuyền viên phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích DN tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt sản phẩm đóng hộp, khô..., dự trữ nguyên liệu, chú trọng các thị trường nhập khẩu truyền thống, kết nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa trong thời gian các nước nhập khẩu còn dịch.
Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức các diễn đàn DN trong và ngoài nước; Giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủy sản khai thác, tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và các thị trường quốc tế. Đặc biệt là có phương án, kịch bản xuất khẩu thủy hải sản đáp ứng nhu cầu tăng cao sau khi hết dịch COVID-19.