Vale - tập đoàn sản xuất quặng sắt lớn hàng đầu thế giới của Brazil - cho ngừng hoạt động mỏ Timbopeba.
Các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu đóng cửa và kiểm tra các hầm lò không dùng than ở tỉnh Sơn Tây sau khi một mỏ quặng sắt ở huyện Đại ở tỉnh Sơn Tây bị ngập lụt.
Giá quặng sắt tăng trở lại. Ảnh: Mmsteel Club
Giá quặng sắt tăng trở lại vào ngày 14/6 do nguồn cung thắt chặt liên tục và nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi.
Theo Fast Markets, quặng sắt 62% Fe nhập khẩu vào miền bắc Trung Quốc ngày 14/6 là 220,77 USD/tấn, tăng 0,6% so với cách đây 4 ngày (giá quặng sắt ngày 11/6 là 219,44 USD/tấn).
Trước đó 3 tuần, giá vật liệu này giảm mạnh, còn 182,57 USD/tấn. Mức giá quặng sắt 62% Fe cao nhất trong một năm qua rơi vào ngày 12/5 ở 233,02 USD/tấn.
Giá quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc trong 1 năm qua. Ảnh: Steel Home
Tuần trước, Vale - tập đoàn sản xuất quặng sắt lớn hàng đầu thế giới của Brazil - cho ngừng hoạt động mỏ Timbopeba và một phần của mỏ Alegria. Động thái này sẽ làm giảm sản lượng khoảng 40.000 tấn/ngày. Việc tạm dừng hoạt động của các mỏ diễn ra sau khi nhà chức trách ra lệnh sơ tán khu vực xung quanh đập Xinggu, thuộc bang Minas Gerais của Brazil.
Vale đang cân nhắc việc sử dụng tàu điều khiển từ xa gần đập để thuận lợi cho việc sản xuất.
Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu đóng cửa và kiểm tra các hầm lò không dùng than ở tỉnh Sơn Tây sau khi một mỏ quặng sắt ở huyện Đại ở tỉnh Sơn Tây bị ngập lụt.
Mỏ Timbopeba và Alegria hàng năm sản xuất ra 14,6 triệu tấn. Các mỏ quặng ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc sản xuất khoảng 14,97 triệu tấn hàng năm.
Brazil là quốc gia có sản lượng quặng nhiều thứ 2 trên thế giới trong năm 2020 với sản lượng 400 triệu tấn, sau Australia (900 triệu tấn). Trung Quốc là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quặng với 340 triệu tấn. Tiếp đó là Ấn Độ (230 triệu tấn) và Nga (95 triệu tấn).