Giá phân đã tăng rất mạnh tính từ đầu năm như ure tăng trên 50%, DAP tăng 17-35%, NPK tăng 15-19%.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng giá phân có thể neo cao đến cuối năm do giá đầu vào tăng mạnh.
Nhiều cổ phiếu phân bón tăng mạnh trong vòng 1 tháng qua như DDV, LAS, BFC, DCM...
Từ cuối năm 2020 đến nay giá phân bón liên tục tăng giá. Theo tổng hợp của Người Đồng Hành, giá phân ure Cà Mau ngày 18/6 dao động quanh 530.000 – 580.000 đồng/bao (50 kg) tùy khu vực, tăng khoảng 50% so với đầu năm. Giá phân ure Phú Mỹ cũng trong khoảng 520.000-590.000 đồng/bao, tăng 52% so với đầu năm. Giá phân ure Phú Mỹ và Cà Mau ở khu vực Tây Nam Bộ rẻ hơn ở khu vực Đông Nam Bộ - Tây Nguyên khoảng 30.000-40.000 đồng/bao.
Phân DAP Hồng Hà cũng ghi nhận mức bình quân gần 800.000 đồng/bao, tăng 35%; DAP Đình Vũ tăng 17% lên 585.000 đồng/bao. Ngoài ra, phân kali miểng, NPK Cà Mau, NPK Phú Mỹ tăng từ 15-19% tính từ đầu năm. Riêng phân NPK Bình Điền tăng không đáng kể, khoảng 3% so với đầu năm lên bình quân 725.000 đồng/bao.
Đơn vị: đồng/bao 50 kg
Thông tin tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết việc tăng giá chủ yếu do nguyên liệu sản xuất phân bón và chi phí vận tải đều tăng. Nguyên liệu chính để sản xuất DAP và MAP là lưu huỳnh về đến nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn lên 280 USD/tấn. Tương tự, giá amoniac (NH3) tăng 31,4%, tương đương mức tăng 102 USD/tấn. Đồng thời, giá vận chuyển cũng tăng 3-5 lần.
Trong khi đó, bình luận về giá phân bón thời gian tới, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục Trưởng Cục Hóa chất cũng cho biết phân bón có chu kỳ tăng, giảm giá cứ 10 năm một lần. Giống như 2008, phân bón đang vào chu kỳ giá đi lên. Ngoài những yếu tố như đã nêu ở trên còn phải kể đến việc giá cước vận tải tăng cao, do phương thức vận chuyển của mặt hàng này chủ yếu bằng container.
Đồng thời, tại thời điểm hiện nay, Trung Quốc cũng đang đánh thuế xuất khẩu khá cao với phân ure, ở mức 30% nhằm siết chặt hơn việc xuất khẩu ra nước ngoài vào thời điểm nhu cầu trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung ure từ Đông Nam Á có sản lượng rất thấp do đang trong thời kỳ bảo trì, bảo dưỡng máy móc đã đẩy giá ure trên thị trường thế giới lên mức rất cao. Điều này cũng tạo áp lực nên giá phân ure trong nước.
Ngoài ra, việc sản xuất ure tại Việt Nam chủ yếu bằng hai nguồn là than và khí mà giá hai nguyên liệu này đều đang ở mức cao vì vậy giá phân bón vẫn sẽ neo cao từ giờ tới hết năm, ông Ngọc đánh giá.
Bối cảnh này đã giúp nhiều cổ phiếu phân bón bứt phá trong 1 tháng qua bất chấp các phiên điều chỉnh của thị trường sau đà tăng nóng. Trong đó, tăng mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu
DDV của DAP Vinachem, tăng 45% từ giá 10.800 đồng/cp lên 15.650 đồng/cp trong vòng 1 tháng. Cổ phiếu của Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX:
LAS) tăng 26% lên 13.200 đồng/cp, phiên ngày 18/6 tăng trần với khối lương khớp lệnh kỷ lục hơn 3,5 triệu đơn vị.
Nhiều cổ phiếu khác có mức tăng giá trên 20% trong 1 tháng như
DCM,
BFC,
DGC,
DPM, PCE.
Đơn vị: đồng/cp
Sản lượng và doanh thu dự tăng mạnh
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 trong nước đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ DAP tăng 12%, lân tăng 8,7%, NPK tăng 4,6%...
Đồng thời, hoạt động xuất khẩu cũng khá khởi sắc, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu phân bón 4 tháng đầu năm đạt hơn 473.000 tấn, trị giá 150 triệu USD; lần lượt tăng 56% và 72% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I, các doanh nghiệp phân bón đã ghi nhận sản lượng, doanh thu và lợi nhuận cùng tăng rất mạnh. Tính đến tháng 5, sản lượng tiêu thụ ở nhiều đơn vị vẫn hết sức khả quan.
Đạm Phú Mỹ (HoSE:
DPM) thông tin trong 5 tháng đầu năm, các hoạt động của đơn vị đều rất tích cực, vượt các chi tiêu kế hoạch và tăng so cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, lũy kế 5 tháng, sản lượng sản xuất các sản phẩm đều hoàn thành hoặc vượt mức kế hoạch, trong đó sản lượng NPK Phú Mỹ sản xuất vượt kế hoạch 17% và tăng 69% so với cùng kỳ 2020. Về mặt tiêu thụ, hầu hết các sản phẩm đều vượt kế hoạch và tăng so với năm 2020, riêng sản phẩm NPK Phú Mỹ vượt 5% kế hoạch và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm, Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX:
LAS) cho biết đã cung ứng khoảng 326.857 tấn phân bón các loại ra thị trường, trong đó phân bón NPK-S đạt khoảng 212.749 tấn; Supe lân đạt khoảng 114.109 tấn. Dự kiến trong tháng 6, công ty sẽ tiếp tục đưa khoảng 56.000 tấn phân bón Lâm Thao ra thị trường. Như vậy, nửa đầu năm, số lượng phân bón công ty bán ra thị trường khoảng 419.000 tấn, tương đương 55% thực hiện cả năm 2020.
Đạm Hà Bắc (UPCoM:
DHB) cũng ghi nhận kết quả khả quan khi 5 tháng cung cấp cho thị trường trong nước 210.000 tấn urê quy đổi, thực hiện 48% so với kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch năm và tăng 20% so với 5 tháng 2020.
Vinachem công bố tổng doanh thu 5 tháng tăng hơn 33% đạt 20.851 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngành phân bón doanh thu tăng mạnh nhất 58,4% so với cùng kỳ, nhóm cao su đạt mức tăng 18,1% hay nhóm pin - ắc quy tăng 14,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 58,6% so với cùng kỳ đạt gần 766 tỷ đồng và bằng 49% kế hoạch cả năm.