Theo người phát ngôn IMF, Gerry Rice, phần bổ sung này nhằm giúp các thành viên dễ bị tổn thương nhất (các nước đang phát triển) vượt qua đại dịch COVID-19 và kinh tế suy giảm.
Ban điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 25/6 thảo luận về đề xuất mở rộng quỹ dự trữ khẩu cấp mang tên "Quyền Rút vốn đặc biệt - SDRs" của mình lên 650 tỷ USD. Khoản bổ sung này nếu được thông qua sẽ là lớn nhất trong lịch sử tồn tại của IMF.
Theo người phát ngôn IMF, Gerry Rice, phần bổ sung này nhằm giúp các thành viên dễ bị tổn thương nhất vượt qua đại dịch COVID-19 và kinh tế suy giảm.
Sau cuộc thảo luận trên, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva sẽ chuẩn bị bản báo cáo về việc mở rộng quỹ dự trữ trình lên ban lãnh đạo IMF và dự kiến sẽ được ban điều hành xem xét vào giữa tháng Bảy.
Nếu ban điều hành thông qua, đề xuất sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng thống đốc và khoản bổ sung cho SDRs sẽ có hiệu lực từ cuối tháng Tám.
Trước đó trong tháng Sáu, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã hoan nghênh đề xuất trên, và ủng hộ một mục tiêu toàn cầu nhằm cung cấp 100 tỷ USD cho các nước dễ bị tổn thương nhất.
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng đã ủng hộ đề xuất này hồi tháng Tư, trong bối cảnh đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế phát triển đang phục hồi nhanh hơn sau đại dịch, trong khi các nước đang phát triển bị bỏ xa lại đằng sau.
Vì tiền của IMF được chia cho tất cả các thành viên dựa trên phần đóng góp, nên các nước giàu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, chỉ 7% (tương đương 42 tỷ USD) được dành cho 44 quốc gia nghèo hơn.
Để giúp các nước nghèo, Mỹ và các nước khác trong G7 đã kêu gọi các nước giàu tăng 100 tỷ USD bằng cách lấy một phần từ các quỹ mới tạo ra của mình hoặc thông qua các khoản ngân sách dành riêng./.