Sau 4 tuần bán ròng liên tiếp, khối tự doanh mua ròng trở lại gần 184 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tuần từ 5-9/7. Khối tự doanh gom mạnh các mã như E1VFVN30, SSI, CTG... Khối ngoại cũng mua ròng hơn 2.600 tỷ đồng trên HoSE.
Kết thúc tuần giao dịch từ 5-9/7, VN-Index đứng ở mức 1.347,14 điểm, tương ứng giảm 73,13 điểm (-5,15%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 21,28 điểm (-6,5%) xuốn 306,73 điểm. UPCoM-Index giảm 3,56 điểm (-3,93%) xuống 87,08 điểm.
Điểm tích cực trong tuần giao dịch vừa qua là cả khối ngoại lẫn tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) đều mua ròng. Đối với khối tự doanh ở sàn HoSE, theo thống kê của FiinPro, dòng vốn này ở tuần từ 5-9/7 mua vào 55,3 triệu cổ phiếu, trị giá 2.632 tỷ đồng, trong khi bán ra 47 triệu cổ phiếu, trị giá 2.450 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 8,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là gần 184 tỷ đồng. Như vậy, dòng vốn này đã chấm dứt chuỗi 4 tuần bán ròng liên tiếp trước đó.
10 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ có giá trị mua, bán ròng mạnh nhất trong tuần qua.
Khối tự doanh mua ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF nội E1VFVN30 với 178 tỷ đồng. SSI và CTG được mua ròng lần lượt 138 tỷ đồng và 105 tỷ đồng. Chiều ngược lại, TCB bị bán ròng mạnh nhất với 126 tỷ đồng. VPB đứng sau với giá trị bán ròng ở mức 109 tỷ đồng. Bộ 3 cổ phiếu Vingroup là VRE, VHM và VIC bị bán ròng lần lượt 50 tỷ đồng, 49 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.
Đối với giao dịch của khối ngoại, dòng vốn này tiếp tục mua ròng 2.631 tỷ đồng trên HoSE. Đa phần giá trị mua ròng của khối ngoại sàn HoSE tuần qua đến từ giao dịch khớp lệnh (2.651 tỷ đồng).
Khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã MBB với giá trị 835 tỷ đồng. VHM và HPG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 727 tỷ đồng và 319 tỷ đồng. STB, MSN và GEX cũng đều có giá trị mua ròng của khối ngoại lớn hơn 200 tỷ đồng. Chiều ngược lại, sau khi được mua ròng rất mạnh ở tuần trước đó thông qua thỏa thuận, NVL bị khối ngoại bán ròng trở lại 770 tỷ đồng và chủ yếu đến từ khớp lệnh. Hai cổ phiếu ngân hàng là VPB và CTG bị bán ròng lần lượt 282 tỷ đồng và 250 tỷ đồng. Trái ngược với khối tự doanh, CCQ E1VFVN30 bị khối ngoại bán ròng hơn 193 tỷ đồng.