Phó Thủ tướng đồng ý với chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của ACV để đầu tư tăng vốn nhà nước.
Một số dự án dự kiến triển khai trong năm nay như đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất, cảng hàng hóa quốc tế Đà Nẵng và Long Thành (giai đoạn 1), mở rộng nhà ga hành khách T2...
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về phương án chia cổ tức, phân phối lợi nhuận sau thuế các năm 2019, 2020 và giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM:
ACV).
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý với chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của
ACV để đầu tư tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Việc này nhằm tạo điều kiện cho
ACV có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đã được nhà nước giao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Phó Thủ tướng giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giải trình, tiếp thu và hoàn thiện phương án đề xuất cụ thể về chủ trương tăng vốn cho
ACV, gửi Bộ Tài chính trong tháng 7.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông vận tải đánh giá, thẩm định đề xuất tăng vốn cho
ACV của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trình Thủ tướng trước ngày 15/8.
Theo Nghị định 140/2020,
ACV thuộc đối tượng chỉ được trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm được phân phối vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp. Khoản lợi nhuận còn lại sau khi trích vào quỹ phúc lợi cho người lao động, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Kể từ khi lên sàn UPCoM, vốn điều lệ của
ACV giữ nguyên ở mức gần 21.772 tỷ đồng do hàng năm trả cổ tức bằng tiền. Công ty có quỹ đầu tư phát triển 6.035 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 9.807 tỷ đồng, tính tới 31/3/2021. Với chủ trương mới của Chính phủ, nhiều khả năng
ACV sẽ chuyển từ chia cổ tức tiền mặt sang cổ tức cổ phiếu, cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ tương tự như VietinBank.
Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: Người lao động
Năm ngoái,
ACV ghi nhận 10.159 tỷ đồng tổng doanh thu và 1.642 tỷ đồng lãi sau thuế, tương đương 49% và 20% thực hiện năm trước. Trong năm 2021, kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 10.654 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 2.359 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 18% so với thực hiện năm ngoái, trên cơ sở dự báo tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát trong tháng 8 và các đường bay quốc tế phục hồi dần từ cuối quý III.
Kế hoạch vốn giải ngân đầu tư là 4.996 tỷ đồng nhằm triển khai đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất; cảng hàng hóa quốc tế Đà Nẵng và sân bay Long Thành (giai đoạn 1); mở rộng nhà ga hành khách T2 tại Phú Bài và hạ tầng đồng bộ cảng hàng quốc tế Nội Bài; cải tạo nhà ga T1 tại Đà Nẵng, nhà ga T2 tại Đồng Hới...
Trong đó, dự án sân bay Long Thành, theo Chủ tịch
ACV Lại Xuân Thanh, đang được quyết tâm, tập trung triển khai khẩn trương. Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến công tác triển khai dự án sân bay Long Thành gặp khó khăn trong việc thương thảo, ký kết hợp đồng với các đơn vị đối tác có chuyên gia nước ngoài. Đại diện
ACV cho biết biến động giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong khi tổng mức đầu tư, dự toán chi tiết được xây dựng theo định mức được nhà nước ban hành chưa điều chỉnh kịp thời theo biến động của thị trường cũng gây khó khăn trong việc triển khai dự án.
Chính vì vậy, Chủ tịch
ACV kiến nghị Thủ tướng cho phép
ACV tích lũy nguồn tiền tối đa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để đầu tư trên cơ sở phương án bổ sung vốn điều lệ hàng năm từ lợi nhuận sau thuế, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Đồng thời,
ACV cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án cho phép
ACV vay các ngân hàng quốc doanh trong nước bằng USD và trả bằng USD nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay.