Ngân hàng bán khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống, không có tài sản đảm bảo.
Giá rao bán khởi điểm của khoản nợ bằng với giá trị ghi sổ.
VietinBank thông báo bán khoản vay tiêu dùng của 36 cá nhân để thu hồi nợ với tổng giá trị hơn 614 triệu đồng. Khoản vay lớn nhất có giá trị hơn 21,3 triệu đồng và nhỏ nhất là hơn 1,1 triệu đồng. Giá bánkhởi điểm bằng với giá trị khoản nợ. Người mua khoản nợ sẽ phải thanh toán một lần.
Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/ sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán nợ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Phương thức bán là bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ. Ngân hàng sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.
Các khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống có nghĩa vụ thanh toán cho VietinBank theo các hợp đồng tín dụng đã ký. Do đó, người mua những khoản nợ này sẽ có quyền đòi nợ.
Ngân hàng tiếp tục rao bán hàng loạt khoản nợ vay tiêu dùng, không tài sản đảm bảo - Ảnh 1.
Vào tháng 5, VietinBank cũng từng rao bán 9 khoản nợ vay tiêu dùng của các cá nhân để thu hồi. Khoản vay có giá trị lớn nhất là của cá nhân Nguyễn hoàng Sang hơn 16 triệu đồng, theo sau là cá nhân Lê Mạnh Thơ gần 15 triệu đồng…. Tổng giá trị nợ rao bán là hơn 75,5 triệu đồng. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo.
Trên thực tế, hoạt động rao bán các khoản nợ vẫn được các ngân hàng thông báo rầm rộ suốt thời gian qua, tuy nhiên, việc chào bán các khoản nợ vay tiêu dùng lại ít thông tin.
Đại diện Vietinbank từng chia sẻ rao bán khoản nợ vay tiêu dùng là một trong những nghiệp vụ bình thường của ngân hàng theo quy định để xử lý, thu hồi nợ. Có những khoản nợ chưa xấu nhưng ngân hàng có nhu cầu vẫn được rao bán. Về giá bán khởi điểm bằng giá trị sổ sách là mong muốn của ngân hàng thu hồi nợ, trong trường hợp không bán được, ngân hàng sẽ tính toán để hạ giá những lần tiếp theo.
Đại diện Công ty Tài chính FE Credit cho biết việc rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng theo quy định cũng được doanh nghiệp thực hiện thường xuyên. Đây là một nghiệp vụ trong quá trình xử lý nợ. Khi có nhu cầu thu hồi vốn cho hoạt động kinh doanh, các công ty tài chính sẽ rao bán khoản nợ vay. Dù vậy, thị trường mua bán nợ ở phân khúc này chưa thật sự nhộn nhịp.
Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển cho rằng cho vay tiêu dùng phát triển mạnh đi kèm với rủi ro nợ xấu tăng nhưng chưa có thị trường mua bán nợ đúng nghĩa ở phân khúc này.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức nhận định việc rao bán khoản nợ vay tiêu dùng nguyên giá nợ gốc, lãi và lãi phạt là không dễ. Bởi trong xử lý nợ xấu, ngay cả khoản nợ có tài sản bảo đảm, các ngân hàng cũng chỉ bán được với mức giá bằng 50%-70%. Đơn vị mua nợ còn phải tính toán chi phí, lợi nhuận sau khi mua khoản nợ đó…