Khối ngoại mua ròng hơn 4.700 tỷ đồng ở sàn HoSE trong tháng 7.
Khối ngoại tập trung gom mạnh các mã như NVL, VHM, STB, MBB...
Khối ngoại cũng bán ròng trên cả 2 sàn HNX và UPCoM.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN-Index đứng ở mức 1.310,05 điểm, tương ứng giảm 98,5 điểm (-6,99%) so với cuối tháng 6. Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt 2,62% và 3,68% so với cuối tháng 6.
Giao dịch của khối ngoại là điểm sáng của thị trường chứng khoán trong tháng 7. Cụ thể, dòng vốn này mua vào 956 triệu cổ phiếu, trị giá 45.361 tỷ đồng, trong khi bán ra 826 triệu cổ phiếu, trị giá 40.259 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức hơn 130 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 5.102 tỷ đồng.
Riêng ở sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 4.717 tỷ đồng sau khi bán ròng đến hơn 15.600 tỷ đồng ở 2 tháng trước đó, tương ứng khối lượng mua ròng là 126 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng hơn 3.600 tỷ đồng. Đây cũng là tháng thứ 2 trong năm 2021 khối ngoại mua ròng ở sàn HoSE, trước đó, dòng vốn này cũng mua ròng ở tháng 4 nhưng giá trị chỉ vỏn vẹn 71 tỷ đồng.
NVL đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại trong tháng 7 với giá trị lên đến 1.277 tỷ đồng. Các mã như VHM, STB và MBB cũng đều được khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 2.269 tỷ đồng. VPB đứng sau và bị bán ròng 1.080 tỷ đồng. CTG cũng bị bán ròng trên 866 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng trở lại hơn 318 tỷ đồng (trước đó bán ròng 2 tháng liên tiếp với 995 tỷ đồng), tương ứng khối lượng bán ròng là 8,8 triệu cổ phiếu. Trước đó, khối ngoại sàn HNX mua ròng trong tháng 2 và tháng 4.
PVI được khối ngoại sàn HNX mua ròng mạnh nhất với 352 tỷ đồng. Giao dịch cổ phiếu PVI được khối ngoại thực hiện chủ yếu ở phiên 20/7 thông qua thỏa thuận, đây là giao dịch do HDI Global SE thực hiện mua vào qua đó nâng sở hữu lên 121.560.316 đơn vị tương đương 54,38% vốn.
Đứng sau PVI trong danh sách mua ròng của khối ngoại trên HNX là BSI nhưng giá trị chỉ là 48 tỷ đồng. Trong khi đó, VND bị bán ròng mạnh nhất với 189 tỷ đồng bỏ xa mã đứng sau là PVS với 20 tỷ đồng.
Tại sàn UPCoM, khối ngoại có tháng mua ròng thứ 3 liên tiếp, với giá trị giảm 74% so với tháng 6 và ở mức 66,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 4,86 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất mã ACV với 97 tỷ đồng. VTP và MCH được mua ròng lần lượt 59 tỷ đồng và 31 tỷ đồng. Trong khi đó, QNS bị bán ròng mạnh nhất với 50 tỷ đồng. HIG và PGV đều bị bán ròng trên 35 tỷ đồng.
Tại hội thảo trực tuyến "Thị trường chứng khoán: Cơ hội và rủi ro ở vùng đỉnh lịch sử", ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc SGI Capital đã có đánh giá về dòng vốn ngoại thời gian qua, ông Phúc cho rằng không chỉ riêng Việt Nam mà các thị trường mới nổi nhỏ đều bị rút ròng trong những tháng đầu năm. Việt Nam bị coi như là thị trường rủi ro và khi rủi ro lên cao thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ bán mạnh. Tuy nhiên, khi kinh tế vào chu kỳ phục hồi rõ nét thì tiền sẽ đi tìm khẩu vị rủi ro và đổ vào các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các thị trường chứng khoán khác bắt đầu được mua ròng lại. Ông Phúc nhận định nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bán ròng mạnh mẽ như đợt trước và khẩu vị rủi ro đã thay đổi. Khối ngoại đã bán 4 tỷ USD nên kỳ vọng họp sẽ mua ròng trở lại 4 tỷ USD thậm chí nhiều hơn nữa trong thời gian tới.