• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
18 Tháng Giêng 2025 1:02:18 CH - Mở cửa
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: Không ngừng được thúc đẩy lên tầm cao mới
Nguồn tin: Vietnam+ | 18/01/2025 10:37:16 SA

 Quan hệ hai nước không ngừng được coi trọng thúc đẩy, mở rộng và đi vào chiều sâu đã phản ánh tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.

​​​​​​​

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Năm 2025 là một dấu mốc đầy ý nghĩa khi Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thưa Đại sứ, đâu là những thành tựu nổi bật của quan hệ hai nước trong 75 năm qua?

Đại sứ Phạm Thanh Bình: Cách đây 75 năm, ngày 18/1/1950, sau khi được thành lập không lâu, nước CHND Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước CHXHCN Việt Nam), đã đánh dấu mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Trong chặng đường 75 năm phát triển, quan hệ hai nước tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính, hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của mỗi nước.

Tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản quý báu của cả hai dân tộc. Đặc biệt là từ sau khi bình thường hoá quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng được thúc đẩy phát triển lên tầm cao mới, đạt được rất nhiều thành tựu và dấu ấn quan trọng:

Về chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp) hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết với nhiều hình thức linh hoạt, phát huy vai trò quan trọng trong việc củng cố và phát huy truyền thống hữu nghị, tăng cường tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác, kiểm soát tốt bất đồng, định hướng và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài của quan hệ Việt - Trung.

Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005); nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (năm 2008) – khuôn khổ hợp tác cao nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Đặc biệt là, tiếp sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022), trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đưa ra 6 phương hướng hợp tác lớn thúc đẩy quan hệ Việt - Trung bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững, bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Tiếp đó, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (8/2024), lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định việc phát triển quan hệ song phương là sự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo định hướng "6 hơn", tiếp thêm động lực duy trì đà phát triển tích cực của quan hệ hai nước, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Cùng với đó, các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa kênh Đảng, Nghị viện, Mặt trận Tổ quốc và hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, cũng như hợp tác ở các cơ chế đa phương... cũng chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, với nhiều cơ chế, chương trình hợp tác hiệu quả, góp phần làm phong phú quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu. Việt Nam duy trì trong nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Riêng trong năm 2024 - năm đầu tiên Việt Nam và Trung Quốc triển khai các thỏa thuận, nhận thức chung sau khi nâng tầm quan hệ song phương, hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục đạt đỉnh cao mới, vượt mức 200 tỷ USD.

Việt Nam hiện đã là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Như vậy, trong hơn 3 thập kỷ tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 6.400 lần (từ mức 32 triệu USD lên 200 tỷ USD), thể hiện rất rõ sự phát triển mạnh mẽ và độ gắn kết trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Về đầu tư, đến nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 31,8 tỷ USD. Con số này đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với vị trí trước đó là nhà đầu tư lớn thứ 9, với tổng vốn đăng ký tích lũy khoảng 8 tỷ USD vào cuối năm 2014.

Các lĩnh vực giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch giữa hai nước đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Hiện có hơn 23.000 du học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập ở Trung Quốc; khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam không ngừng tăng trưởng (năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam đã đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm 30% tổng số lượt khách quốc tế), sau đại dịch, tính đến hết năm 2024, Việt Nam đã đón khoảng 3,7 triệu lượt khách Trung Quốc (tăng 214,4% so với năm 2023), xếp thứ hai sau Hàn Quốc.

Hai nước đã giải quyết 2 trong 3 vấn đề biên giới, lãnh thổ, ký kết Hiệp định biên giới trên đất liền vào năm 1999 và đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền năm 2008, ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000. Đối với việc giải quyết bất đồng trên biển, lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông.

Hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” (năm 2011), thiết lập và duy trì thường xuyên cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ và 3 cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển và hợp tác cùng phát triển trên biển.

Các bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ cùng với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” và nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ tạo tiền đề, niềm tin để hai bên tiếp tục đàm phán, tìm kiếm biện pháp từng bước giải quyết hòa bình vấn đề Biển Ðông trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) ký giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.

Có thể nói, việc quan hệ hai nước không ngừng được coi trọng thúc đẩy, mở rộng và đi vào chiều sâu đã phản ánh tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời tạo dựng được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi để cùng phát triển, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phóng viên: Theo Đại sứ, Việt Nam và Trung Quốc cần đặt trọng tâm hợp tác ở đâu khi bước vào giai đoạn phát triển mới? Đại sứ có kỳ vọng gì vào sự phát triển của quan hệ song phương trong tương lai?
Đại sứ Phạm Thanh Bình: Hiện nay là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầng mức cao hơn, sâu sắc và thực chất hơn. Hai bên cần tập trung thúc đẩy thực hiện, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao về việc làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng Chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”, cụ thể như:

Một là, phối hợp chuẩn bị tốt cho các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao trong thời gian tới nhằm duy trì trao đổi chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị; triển khai tốt các cơ chế, chương trình giao lưu kênh Đảng và giữa Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan tương ứng của Trung Quốc; tiếp tục làm sâu sắc và nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh và giữa các cấp, các ngành, địa phương; triển khai thiết thực các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hai là, tiếp tục làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả cụ thể. Củng cố nền tảng vật chất cho quan hệ hai bên, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam; tập trung triển khai những dự án lớn, biểu tượng hợp tác mới của quan hệ Việt - Trung.

Trong đó coi triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối hai nước (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng) là ưu tiên cao nhất trong hợp tác kết nối hạ tầng chiến lược giữa hai bên; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch….

Ba là, tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố hơn nữa nền tảng xã hội của quan hệ hai nước. Năm 2025 được hai nước chọn là Năm giao lưu Nhân văn Việt - Trung, cần coi đây là cơ hội để đẩy mạnh giao lưu nhân dân và tuyên truyền hữu nghị; thúc đẩy phục hồi du lịch; phát huy hiệu quả của các “địa chỉ đỏ” mang dấu ấn cách mạng để giáo dục tình hữu nghị truyền thống hai giữa Đảng, hai nước cho thế hệ trẻ Việt Nam và Trung Quốc; thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác Văn hóa - Du lịch giai đoạn 2023 - 2027 giữa hai nước.

Bốn là, hai bên cần phối hợp quản lý tốt biên giới trên bộ, tăng cường trao đổi, tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác và phát triển, đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông qua biên giới, đặc biệt là các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, đưa đường biên giới hai bên trở thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Cần kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thúc đẩy các cơ chế đàm phán đạt tiến triển; tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và DOC.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng khi hai bên phối hợp cùng thực hiện tốt những nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đạt được, cũng như tập trung làm tốt những trọng tâm hợp tác nêu trên, quan hệ Việt - Trung thời gian tới sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển toàn diện, thực chất hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. 

Phóng viên: Thưa Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc dự định sẽ triển khai những hoạt động, sự kiện gì trong Năm giao lưu Nhân văn Việt Nam - Trung Quốc nhằm vun đắp tình hữu nghị và tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước?
Đại sứ Phạm Thanh Bình: Có thể nói, giao lưu nhân văn là một trong những phương hướng cơ bản, quan trọng nhất trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Năm 2025 là dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng là năm được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước lựa chọn là Năm giao lưu Nhân văn Việt - Trung. Đây là dịp để hai bên phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giao lưu nhân dân, văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa, nhằm tăng cường sự hiểu biết, vun đắp và phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hiện nay, Đại sứ quán đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của hai bên để tổ chức các hoạt động giao lưu nhân văn trong khuôn khổ cuộc Chiêu đãi kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc tại sở tại. Dự kiến chương trình sẽ có sự tham gia của đông đảo nhân sỹ các giới ở Trung Quốc, cùng với nhiều tiết mục đặc sắc, có ý nghĩa như triển lãm ảnh quảng bá hình ảnh đất nước và con người, giới thiệu về văn hóa, du lịch Việt Nam, hoạt động biểu diễn văn nghệ với sự tham gia của nghệ sĩ hai nước, các gian hàng giới thiệu ẩm thực, sản phẩm nông sản Việt Nam.

Tôi tin rằng thông qua các hoạt động này, tình hữu nghị giữa hai nước sẽ ngày càng được củng cố và mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Công Tuyên-Quang Hưng

Link gốc