Ngày 17/1, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện cho biết, năm 2025, hiệp hội đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 7-10% so với năm 2024.
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN
Ông Thiện cho biết thêm, trong báo cáo “Triển vọng kinh tế 2025", Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo rằng, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 sẽ đạt mức 3,3%, tăng từ mức 3,2% vào năm 2024; trong đó, Hoa Kỳ tăng 2,8%, khu vực đồng euro tăng 1,3%; Nhật Bản tăng 1,5%; Trung Quốc tăng 4,7%.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lan rộng; Chính phủ Mỹ ban hành nhiều chính sách mới có thể làm gia tăng tỷ lệ nợ công cao, triển vọng tăng trưởng trung hạn yếu, rủi ro thị trường tài chính điều chỉnh đột ngột, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân ở mức thấp, lòng tin yếu kém của người tiêu dùng… sẽ gây cản trở nhất định về mức độ tăng trưởng thương mại và xuất khẩu, đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội xen lẫn khó khăn, thách thức lớn.
“Chỉ trong tháng 1/2025, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thiếu đơn hàng của mùa hàng 2024 - 2025, tình trạng này thường kéo dài trong nhiều tháng. Không những thế, môi trường kinh doanh trong nước gặp phải những “rào cản” như: Lãi suất cao; biến động tỷ giá USD so với Việt Nam đồng khá lớn; giá nguyên liệu, vật liệu đầu vào tăng; thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ trong nước; gỗ nhập khẩu thiếu giấy phép khai thác, chứng từ vận chuyển gỗ tại các nước khai thác… dẫn đến khó đáp ứng các quy định chống phá rừng (EUDR)”- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện nhận định.
Theo ông Lê Minh Thiện, trước “sức ép” trên, ngành gỗ Bình Định vẫn đủ khả năng đạt được mục tiêu đã đề ra với những giải pháp cơ bản, hữu hiệu. Cụ thể, hiệp hội sẽ tổng hợp, phân tích tình hình thị trường, chủ động triển khai các phương án tháo gỡ khó khăn, thách thức dựa trên thông tin phản ánh chính xác, kịp thời của hội viên và dữ liệu thu thập qua các kênh hợp tác với các Hiệp hội bạn, các tổ chức trong nước và quốc tế; tích cực xây dựng chính sách phát triển ngành dựa trên chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng, cấu trúc lại năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cũng như tập trung vào các nhóm hàng giá trị gia tăng cao.
Đồng thời, hiệp hội phối hợp với Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Hải quan tỉnh... thực thi có hiệu quả các Nghị định 102, 120 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là đặc biệt quan tâm đến việc triển khai Quyết định số 3024/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) kết hợp với Hệ thống trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ và Bộ quy tắc ứng xử của hiệp hội; kết nối, tiêu thụ sản phẩm gỗ của người trồng rừng theo chương trình trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và “Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020-2025”.
Ngoài ra, phối hợp với Sở Công Thương thực hiện đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, coi đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên đề ngắn hạn đúng nhu cầu của hội viên, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn mới tại các khu vực thị trường xuất khẩu chính: Bắc Mỹ, EU, Anh, Australia, Đông Bắc Á…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn thông tin, để hỗ trợ ngành gỗ, sắp tới Bình Định sẽ có phương án sáp nhập 3 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp (Sông Kôn, Quy Nhơn và Hà Thanh) thành 1 công ty để tập trung trồng rừng gỗ lớn, quy định trên 10 năm mới được khai thác để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất lâu dài cho ngành gỗ.
"Tỉnh luôn hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế tư nhân, không hình sự hóa các vấn đề liên quan tới kinh tế và mong muốn, ngành gỗ hướng tới việc chế biến sâu, tuần hoàn và đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã cũng như tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để đảm bảo tăng năng suất lao động; đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xanh", ông Tuấn cam kết.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính chung cả năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2023. Nếu so sánh với con số kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 (15,8 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD. Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành lâm sản đạt khoảng 17,3 tỷ USD.
Lê Phước Ngọc
Link gốc