Diễn biến giá cổ phiếu sau khi phát hành 800 triệu cổ phiếu của HVN đang cho thấy sự suy yếu khá nhanh. Cổ phiếu này đã hồi phục hơn 20% nhưng gần như rất khó để bứt phá khỏi đường xu hướng dài hạn.
Gặp khó ngay khi hồi phục lên MA200
Nếu chỉ so sánh giá đóng cửa 2 tuần vừa,
HVN hầu như không có chuyển biến nào khi chốt tại mức 21.700 đồng/cổ phiếu, khi tăng 0,1%. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các biến động từng phiên từ cuối tháng 7 trở lại đây,
HVN đã thiết lập một nhịp hồi phục tới hơn 20% từ vùng đáy 18.000-19.000 đồng/cổ phiếu.
Đây là động thái kéo giá đón đợt chốt quyền phát hành 800 triệu cổ phiếu. Đồng thời cũng là lần thứ 3 kể từ tháng 10 năm ngoái sau khi chạm vào vùng 18.000 đồng/cổ phiếu, qua đó ngầm xác nhận vùng hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau vùng hỗ trợ này, đường MA200 lại là lực cản rất lớn ảnh hưởng biến động giá của
HVN. Sau khi cổ phiếu tạo đỉnh tuần qua,
HVN đã nhanh chóng bị kéo xuống dưới đường xu hướng dài hạn này.
Với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến tiêu cực trên cả nước, thật khó để một cổ phiếu ngành Hàng không có thể bứt phát ngay vào lúc này.
Trong quá khứ,
HVN đã có rất nhiều lần nỗ lực thoát khỏi đường MA200 nhưng cũng đều bị kéo lại. Vì vậy trước mắt, kịch bản tích lũy quanh đường MA200 vẫn là khá dĩ nhất. Biên độ càng thu hẹp lại với khối lượng thấp sẽ là chuyển động tốt nhất để
HVN có thể có đủ năng lượng đi tiếp.
Tăng vốn là trọng điểm để HVN duy trì hoạt động
HVN đã thông qua kế hoạch phát hành quyền, trong đó
HVN sẽ phát hành thêm 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (0,56 cổ phiếu mới trên mỗi cổ phiếu hiện hữu). Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ đại diện cho Nhà nước - hiện đang nắm giữ 86% cổ phần của hãng hàng không - tham gia vào việc phát hành quyền. Sự tham gia của SCIC là một phần chính trong gói giải cứu của Chính phủ dành cho
HVN, bao gồm khoản vay 4 nghìn tỷ đồng mới được ký kết từ 3 ngân hàng TMCP với lãi suất ưu đãi.
HVN dự kiến thực hiện phát hành quyền vào quý 3 hoặc quý 4/2021, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Số tiền thu được từ việc phát hành quyền sẽ được sử dụng để tái tục khoản vay và cải thiện vốn lưu động. Gói giải cứu sẽ hữu ích trong ngắn hạn nhưng có thể không giải quyết triệt để tất cả các vấn đề thanh khoản của hãng hàng không này.
Do đó,
HVN có thể tiến hành phát hành thêm quyền hoặc phát hành riêng lẻ trong tương lai.
Về tình hình hoạt động, trước COVID-19, vận tải hành khách quốc tế chiếm 65% tổng doanh thu của
HVN. Tuy nhiên, đóng góp hiện tại từ mảng này chỉ khoảng 1%, trong đó chủ yếu là từ các chuyến bay giải cứu. Doanh thu vận tải hàng hóa đã vượt qua doanh thu vận tải hành khách trong 6 tháng đầu năm 2021 và
HVN đã chuyển đổi 5 tàu bay thân rộng và 2 tàu bay thân hẹp thành tàu bay chở hàng. Hãng cũng đang xem xét việc thành lập một công ty con chuyên vận chuyển hàng hóa để nắm bắt cơ hội trong mảng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
HVN đã cắt giảm chi phí 5,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 chủ yếu là do (1) đàm phán với các nhà cung cấp để giảm chi phí thuê & bảo dưỡng máy bay và (2) cắt giảm lương 1,8 nghìn tỷ đồng.
Hãng có kế hoạch tăng nỗ lực cắt giảm chi phí lên 6,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Tại ĐHCĐ vừa qua, cũng thông qua việc
HVN bán toàn bộ 6 máy bay ATR để cải thiện dòng tiền. ATR là loại máy bay động cơ phản lực cánh quạt nhỏ có thể bay đến các sân bay chưa phát triển với đường băng ngắn; tuy nhiên, mô hình này đang mất dần lợi thế do các sân bay nhỏ của Việt Nam hiện đang có kế hoạch nâng cấp.
Ngoài ra,
HVN cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không, bao gồm giảm phí dịch vụ máy bay cất, hạ cánh, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với dịch vụ chuyên ngành hàng không do Chính phủ quy định, giảm thuế nhiên liệu máy bay và cho phép hãng hàng không áp dụng phương pháp khấu hao dựa trên hiệu suất sử dụng cho các báo cáo tài chính của mình.
HVN đã đàm phán thành công 65 triệu USD tiền chậm thanh toán với các bên cho vay nước ngoài vào năm 2020 và đang đặt kế hoạch đàm phán 40 triệu USD tiền chậm thanh toán trong năm nay.
Hãng có thể bắt đầu nối lại các chuyến bay quốc tế với cách tiếp cận thận trọng và sử dụng hộ chiếu vaccine. Việc nối lại có thể áp dụng cho các chuyến bay nối Úc, Đức, Anh, Nhật Bản và Thái Lan sử dụng các loại máy bay thân rộng như Boeing 787 và Airbus A350.