Dệt may Thành Công báo doanh thu giảm 23% và lỗ 6,4 tỷ đồng trong tháng 8.
Năng suất lao động ngành may giảm cùng chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao khiến doanh nghiệp lỗ.
Dệt may Thành Công (HoSE:
TCM) thông báo doanh thu tháng 8 đạt 10,5 triệu USD (238 tỷ đồng), giảm 23% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế 282.425 USD (6,4 tỷ đồng), cùng kỳ năm trước lãi 1 triệu USD (22,7 tỷ đồng). Đây là tháng đầu tiên doanh nghiệp lỗ kể từ khi công khai lợi nhuận tháng.
Đơn vị: 1.000 USD
Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch. Trong khi đó, chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lỗ sau thuế.
Lũy kế 8 tháng, doanh thu đạt 106 triệu USD (2.406 tỷ đồng), cao hơn 4% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 59% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 5,48 triệu USD (124 tỷ đồng), giảm 24,4% và thực hiện 44,4% kế hoạch năm.
Dệt may Thành Công đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý I/2022. Mặc dù doanh nghiệp tổ chức làm việc theo phương thức “3 tại chỗ” nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Đơn vị đã và đang xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để chuẩn bị phục vụ sản xuất những đơn hàng của năm 2022, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận tương lai.
Trước diễn biến này, cổ phiếu
TCM đã giảm giá 24% trong vòng 1 tháng qua về 65.000 đồng/cp.
Nguồn: TradingView
Theo báo cáo của Dệt may Thành Công, trong những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch Covid-19 đang bùng phát ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng. Ngoài ra, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may với khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Hiện, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”.
Thông tin từ VITAS cho hay dệt may Việt Nam đối mặt thách thức thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành vẫn thấp. Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành trong quý III. Các doanh nghiệp dệt may đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Mỹ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường như hiện nay, vấn đề mấu chốt của ngành dệt may vẫn là tiêm vaccine cho công nhân.