Tiêu thụ thép xây dựng tháng 8 xuống mức thấp nhất 5 năm, tôn mạ vẫn tăng trưởng nhờ xuất khẩu.
Sản lượng bán hàng của Hòa Phát vẫn tăng nhờ tăng cường bán HRC.
Sản lượng bán hàng Hoa Sen giảm nhẹ, Nam Kim tăng 14% so với tháng trước.
Tiệu thụ thép xây dựng xuống thấp nhất 5 năm
Theo báo cáo Hiệp hội Thép (VSA), ngành thép Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN tiếp tục đối mặt với những thách thức từ đại dịch Covid-19 do biến thể Delta. Hoạt động kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn do các thành phố lớn như Hà Nội, HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 hoặc cao hơn; hoạt động xây dựng bị đình trệ, giãn tiến độ; chuỗi cung ứng nguyên liệu có nguy cơ đứt gãy, cước phí vận tải biển tăng cao và các hoạt động logistic tắc nghẽn… Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi khi miền Bắc là mùa mưa, tháng 7 âm lịch không thuận lợi cho hoạt động xây dựng.
Do vậy, tình hình sản xuất và bán hàng của các thành viên VSA gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn, giảm 2% so tháng trước và tương đương cùng kỳ năm trước; bán hàng thép các loại 1,9 triệu tấn, giảm 9,4% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, hoạt động xuất khẩu vẫn duy trì mức cao với 696.106 tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước bù đắp một phần đà sụt giảm trong nước.
Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng ghi nhận 559.482 tấn, giảm mạnh 29,3% so với tháng trước và gần 40% so với cùng kỳ 2020, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Chủ yếu giảm tiêu thụ nội địa trong khi xuất khẩu tăng gần 45%. Ống thép cũng giảm lần lượt 15,2% và 49% với 121.689 tấn. Thép cán nguội giảm 10% so tháng 8/2020 xuống 163.796 tấn.
Ngược lại, tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 12% so với tháng trước và tăng 79% so với cùng kỳ, đạt 626.591 tấn. Tiêu thụ tôn mạ 432.041 tấn, tăng nhẹ so với tháng trước và tăng 19% so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu là 329.914 tấn, tăng 84,5%.
Nguồn: VSA
Nhu cầu thấp nên giá bán thép trong nước ổn định khoảng 16.200-16.500 đồng/cp tùy chủng loại và sản phẩm. VSA nhận định giá bán thép xây dựng tháng 9 có nhiều triển vọng hơn khi một số tỉnh thành nới lỏng giãn cách sau khi kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định trong tình hình mới. Giá HRC đầu tháng 9 ở mức 870 USD/tấn, giảm 47 USD/tấn so với đầu tháng 8, thị trường HRC thế giới biến động khiến thị trường trong nước khó khăn.
Lũy kế 8 tháng, sản xuất thép các loại đạt 20,6 triệu tấn, tăng 29%; tiêu thụ 18 triệu tấn, tăng 25,2%. Riêng xuất khẩu đạt 4,7 triệu tấn, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.
Hòa Phát tăng bán HRC, doanh nghiệp tôn tăng tỷ trọng xuất khẩu
Trong bối cảnh tiêu thụ thép xây dựng xuống thấp nhất 5 năm, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) vẫn ghi nhận sản lượng bán hàng đạt 690.000 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ và tăng 15% so với tháng trước.
Tiêu thu thép xây dựng giảm 17% xuống 268.000 tấn nhưng được bù đắp bởi sản lượng HRC với 273.591 tấn, mức cao nhất kể từ khi Hòa Phát cung ứng HRC ra thị trường. Lũy kế 8 tháng, Hòa Phát bán 5,6 triệu tấn sản phẩm, riêng HRC là 1,7 triệu tấn, đóng góp 31% tổng sản lượng bán hàng.
Đơn vị: tấn
Đồng thời, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát giảm ít hơn nhiều so với mức giảm chung của thị trường đã giúp thị phần tăng mạnh lên 48% trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng, thị phần thép xây dựng Hòa Phát đạt 37%, cao hơn 9% so với thời điểm đầu năm.
Với các doanh nghiệp tôn mạ, xuất khẩu tiếp tục là cứu cánh trong bối cảnh tiêu thụ trong nước sụt giảm. Tập đoàn Hoa Sen (HoSE:
HSG) bán 150.781 tấn tôn mạ trong tháng 8, giảm 4,5% so với tháng 7; tiêng xuất khẩu là 123.080 tấn, tỷ trọng 81%. Xuất khẩu duy trì tương đương tháng trước nhưng tiêu thụ nội địa giảm khiến sản lượng của tập đoàn giảm.
Thép Nam Kim (HoSE:
NKG) cũng ghi nhận sản lượng bán hàng tháng 8 đạt 86.299 tấn tôn mạ, tăng 14,3% so với tháng trước; xuất khẩu 80.610 tấn, tăng 30% và tỷ trọng đóng góp tăng lên 93%.
Sản lượng ống thép của cả Nam Kim và Hoa Sen đều không đáng kể với lần lượt 4.580 tấn và 15.864 tấn trong tháng 8.
SSI Research đánh giá kênh xuất khẩu có thể giúp 2 doanh nghiệp trên duy trì hoạt động hết công suất trong thời gian tới bất chấp tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19 đối với nhu cầu trong nước. Cả Hoa Sen và Nam Kim đều đã có đơn hàng xuất khẩu để hoạt động hết công suất đến hết tháng 11.