MASVN cho rằng, trong năm nay, doanh thu và lợi nhuận của Tôn Đông Á sẽ thấp hơn tương đối nhiều so với cùng kỳ do sự suy giảm của giá quặng sắt và HRC trong bối cảnh nguồn cung dần ổn định hơn và các chính sách mạnh nhằm hạn chế xuất, nhập khẩu hai mặt hàng này của Trung Quốc.
Dự kiến cuối tháng 1, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (OCT: TDA) sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với hơn 12 triệu cổ phiếu sơ cấp và gần 3 triệu cổ phiếu thứ cấp, tương đương 12% và 3% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Khi hoàn tất thương vụ IPO, tổng số cổ phiếu đang lưu hành tăng từ trên 102 triệu cổ phiếu lên hơn 114 triệu cổ phiếu. Trước đó, Tôn Đông Á đã chia sẻ kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE ngay trong quý đầu năm nay.
Được thành lập từ năm 1998, đến nay Tôn Đông Á là một trong số nhà sản xuất thép cán nguội, tôn kẽm, tôn lạnh, tôn hộp có tiếng của Việt Nam, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn có hoạt động xuất khẩu khá mạnh mẽ, ước tính đã bao phủ khoảng 44 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ở thị trường trong nước, các dòng sản phẩm của Tôn Đông Á được phân phối tới nhiều tỉnh thành thông qua hệ thống đại lý và các công ty con chủ yếu ở Bắc Ninh và Đà Nẵng. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong năm 2020, Tôn Đông Á đang đứng thứ 2 về thị phần nội địa với 18%, đứng thứ 3 về thị phần xuất khẩu với 13%.
Doanh nghiệp đang vận hành hai nhà máy tôn mạ là Sóng Thần và Thủ Dầu Một (Bình Dương) với tổng công suất đạt 850.000 tấn/năm, dây chuyền sản xuất bao gồm xả băng, sản xuất GI/GL, PO, CRC, ống thép và sơn màu. Trong đó, nhà máy Sóng Thần có công suất khá nhỏ do đã hoạt động từ năm 1998, còn nhà máy Thủ Dầu Một được khởi công từ năm 2012 với công suất 750.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 160 triệu USD. Hiện Tôn Đông Á đứng thứ 3 về công suất sản xuất mảng tôn mạ ở Việt Nam.
Giai đoạn 2021-2026, Tôn Đông Á dự kiến triển khai nhà máy Phú Mỹ Bà Rịa với công suất 1,2 triệu tấn/năm, có tổng mức đầu tư là 153,4 triệu USD. Doanh nghiệp kỳ vọng sau khi nhà máy đi vào vận hành sẽ nâng tổng công suất của Tôn Đông Á lên 2,05 triệu tấn/năm, vươn lên vị trí thứ 2 ở mảng tôn mạ trong nước. Đặc biệt, nhà máy Phú Mỹ sẽ cho ra các sản phẩm tôn mạ cao cấp, phục vụ cho mảng gia dụng từ năm 2026, tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho Tôn Đông Á đến hết năm 2030.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) dự báo kết quả kinh doanh năm 2021 của Tôn Đông Á rất lạc quan với doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 20.241 tỷ đồng và 1.238 tỷ đồng, lần lượt tăng 74% và 340% so với năm 2020, tương ứng EPS sau khi pha loãng là 10.796 đồng.
Tuy nhiên, năm 2022, do sự suy giảm của giá quặng sắt và HRC trong bối cảnh nguồn cung dần ổn định hơn và các chính sách mạnh nhằm hạn chế xuất, nhập khẩu hai mặt hàng này của Trung Quốc, MASVN dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của Tôn Đông Á lần lượt giảm 16% và 30% so với cùng kỳ, xuống còn 17.018 tỷ đồng và 873 tỷ đồng.
Sang năm 2023, MASVN cho rằng lợi nhuận sẽ được cải thiện mạnh mẽ nhờ nhà máy Phú Mỹ đi vào hoạt động (giả định hoạt động 50% công suất, tương ứng sản lượng 173.500 tấn ở năm đầu tiên), với doanh thu và lợi nhuận ròng dự phóng ở mức 22.270 tỷ đồng và 1.366 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 57% so với năm trước đó.
Thậm chí, MASVN kỳ vọng năm 2023 chỉ là năm "bản lề" cho chu kỳ tăng trưởng mới cho Tôn Đông Á, dự kiến kéo dài đến hết năm 2030. Dựa trên quan điểm lạc quan, MASVN định giá cổ phiếu TDA ở mức 61.100 đồng/cp, với P/E dự phóng 2021, 2022, 2023 là 5,7 lần, 8 lần và 5,1 lần.