Rất khó để kỳ vọng thị trường sẽ lại phục hồi một cách nhanh chóng sau những phiên giao dịch sóng gió. Nhưng kịch bản lạc quan nhất là neo gần vùng 1.500 điểm đang diễn ra.
Midcap và Penny "tự lực cánh sinh"
VN-Index trong phiên thực tế đã bị nhúng giảm xuống dưới đường xu hướng tăng ngắn hạn là MA20. Nhưng cuối cùng chỉ số vẫn đóng ở trên ngưỡng này, đạt 1.496,02 điểm (0%).
Đây có thể là thành công của thị trường rất đáng ghi nhận khi vắng hết những yếu tố hỗ trợ chỉ số.
Ngân hàng vẫn không có cổ phiếu nào vượt qua được STB (+2%), BID (+0,6%) mà thậm chí còn có một loạt mã bị chốt lời mạnh như VIB (-1,5%), TCB (-1,5%), OCB (-0,9%), MSB (-4,3%).
Còn nhóm Vingroup lẫn Dầu khí cũng rất hờ hững: GAS (+0,5%), VIC (0%), VRE (+1,5%), VHM (0%) không đóng góp được rõ rệt.
Các cổ phiếu Midcap và Penny đơn giản phải "tự lực cánh sinh" thay vì bấu víu vào một tín hiệu nào từ các cổ phiếu lớn.
HBC (+6,93%), HAG (+6,8%), DXG (0%), GEX (+3,28%), NLG (+2,73%), KBC (+1,23%), TCH (+4,4%), VCG (+4,1%), CCL (+3,5%), NTL (+2,8%),DPG (+1,9%), LIG (+1,9%) đã hồi phục thay vì có thêm một nhịp rũ mới.
FRT (+6%) thậm chí còn đóng phiên tăng lên 88.000 đồng/cổ phiếu và qua đó có phiên hồi phục mạnh nhất trong 3 phiên trở lại đây.
Việc tiền tháo chạy cục bộ ở một số cổ phiếu như LDG, NBB, DRH, CII là điều vẫn có thể còn tiếp diễn nhưng sẽ khó tạo ra hiệu ứng xả ồ ạt như các phiên vừa qua. Đây có thể là những cổ phiếu đã quá nóng không chỉ ở nhóm Bất động sản và còn ở nhóm Phân Bón như DPM (-7%), DCM (-7%).
HOSE ghi nhận độ rộng đã tích cực hơn với số mã giảm cuối phiên chỉ chiếm khoảng 55% trong khi đó có 10,5% mã đứng giá và 34,5% mã tăng. Giao dịch ở mức thấp với 22.867 tỷ đồng.
Một tín hiệu cũng được xem là khá tích cực là hkối ngoại giải ngân 770 tỷ đồng trên HOSE. Các mã FUEVFVND (+120,8 tỷ đồng), STB (+118 tỷ đồng), VNM (+82 tỷ đồng), VCB (+67,5 tỷ đồng) đã được giải ngân khá tốt.
Các diễn biến của HNX-Index và UPCoM-Index cũng không còn tiêu cực. HNX-Index hồi phục lại tới 6,03 điểm (+1,31%) lên 466,86 điểm còn UPCoM chỉ giảm 0,4% mà không để mất MA20. Thanh khoản 2 sàn đạt hơn 4.600 tỷ đồng.
*****
Thanh khoản suy giảm khi tìm cân bằng
Ở nhóm đang bị bán mạnh nhất thị trường là Bất động sản, thước đo tâm lý thể hiện đã tốt hơn về cuối phiên sáng. GEX sau khi khớp hơn 1.200 tỷ đồng chỉ còn giảm 1,2% thay vì trạng thái giảm sàn. Một loạt cổ phiếu như DIG, LDG, SCR, DLG, KHG, PHC cũng thoát giá sàn.
Áp lực từ Bất động sản thực tế là không còn nhiều thay vào đó các mã như TCB (-1%), FPT (-0,8%), MSN (-0,8%), HPG (-0,5%) lại đang là những cổ phiếu kéo lùi chỉ số.
VN-Index vẫn còn giảm 0,06% xuống 1.495,2 điểm. Giao dịch đang sụt giảm mạnh chỉ đạt 14.155 tỷ đồng, tương đương mất gần 30% so với phiên sáng hôm qua.
STB (0%) hiện đang là mã có giá trị giao dịch cao nhất VN30 với chỉ là 437 tỷ đồng. Mức này còn thua các mã GEX và DIG tính trên cả sàn nên rõ ràng VN30 cũng đang gặp khó khăn trong việc hút tiền trở lại.
Với HNX, CEO (-0,4%) cũng về gần sát tham chiếu là 74.000 đồng/cổ phiếu qua đó giúp chỉ số HNX-Index không còn áp lực nào. HNX-Index tăng 0,94% lên 465,14 điểm. Giao dịch đạt 1.923 tỷ đồng.
*****
Ngân hàng có thể xem đã chững lại khi thiếu những mã nổi bật tiếp sức cho BID, STB. Đây có thể xem là liều thuốc thử nhanh cho thị trường lẫn nhóm Bất động sản để đánh giá khả năng cân bằng lại tâm lý.
Ảnh minh họa.
Sẽ ra sao nếu Ngân hàng nhạt đi?
STB (-0,3%) lẫn BID (+0,7%) đều đã quá xuất sắc trong nhịp tăng vừa qua giúp các cổ phiếu Ngân hàng ghi điểm trong mắt nhà đầu tư. Việc cả 2 có thể chững lại để cân đối lực bán chốt lời ngắn hạn là diễn biến hoàn toàn rất bình thường vào thời điểm hiện tại.
Điểm mấu chốt là sóng Ngân hàng muốn tiếp diễn cần phải có những cổ phiếu nổi bật lên tương tự như STB hay BID. Tuy nhiên, hiện MBB (+0,7%), VCB (+0,7%), CTG (+1,1%), TPB (+0,1%), VPB (0%) đều vẫn chỉ là những cổ phiếu tiềm năng chứ chưa phải những mã thực sự nổi bật.
Điều này dẫn đến câu hỏi thị trường sẽ ra sao khi hiệu ứng Ngân hàng bị nhạt đi? Ở chiều qua, câu trả lời thực tế đã có khi VN-Index lẫn VN30 cùng giảm điểm. Và điều này cũng dễ dàng tái diễn ở phiên sáng nay khi cả 2 chỉ số đều đang giảm.
Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt có thể nhận ra là thị trường không còn chao đảo mạnh nữa. Trong rổ VN30, POW (+3,3%) đã hồi phục sau một vài phiên liên tục bị đạp giá, VRE (+0,6%) cũng đang có sắc xanh sau phiên ATC chiều qua bị tiền lớn dìm xuống.
Các mã GAS (+0,8%), PLX (+0,4%), GVR (+0,3%) hiện cũng đang tăng nhẹ giúp cho rổ VN30 ghi nhận sắc xanh là nhỉnh hơn.
Nhóm cổ phiếu tâm điểm là Bất động sản đương nhiên vẫn chưa thể trút hết áp lực nhưng đã có sự hồi phục mạnh rõ rệt của SJS (+3,8%), HBC (+5,4%), NLG (+2,2%), NTL (+1,4%), VCG (+2%), PC1 (+1,1%). Những diễn biến bán sàn tại DLG, LGL, DIG, DLG chỉ còn là câu chuyện về kỳ vọng về nội tại doanh nghiệp; hoặc câu chuyện riêng tại FLC, CII.
Cổ phiếu TDC (-4,9%) cũng là một trường hợp phải rất lưu ý bởi vừa có công bố giá chào bán đợt phát hành 35 triệu cổ phiếu phổ thông là 27.900 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, sáng nay thị giá của TDC đã bị ép còn 27.100 đồng/cổ phiếu, thấp hơn cả giá đợt phát hành tới đây.
Những nhóm ngành không liên quan chặt đến Bất động sản như Bán lẻ, Chứng khoán, Dầu khí đang có những phản ứng hợp lý hơn: FRT, HCM, CTS, PVD… đang tăng giá.
Tính đến 10h30, VN-Index đang ở dưới tham chiếu, giảm xuống 1.494 điểm. Còn HNX-Index đã kịp đảo chiều tăng điểm lên 462 điểm khi IDC (+3,3%), PVS (+1,45%), PLX (+5,11%) có sự hộ trợ tốt trong khi CEO (-5,8%) cũng có cầu bắt đáy giúp thoát giá sàn.