• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 5:38:30 CH - Mở cửa
Làm gì để thanh lọc thị trường chứng khoán?
Nguồn tin: Vietnam+ | 14/01/2022 4:49:30 CH
Mỗi năm có hàng trăm vụ lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan hoặc cá nhân vi phạm công bố thông tin, làm giá, thao túng cổ phiếu.
 
Mới đây vụ việc ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC bán "chui" cổ phiếu làm chấn động thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” cổ phiếu chỉ là một trong những vụ nổi bật khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc khi chịu thiệt hại nặng. Thực tế, mỗi năm có hàng trăm vụ lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan hoặc cá nhân vi phạm công bố thông tin, làm giá, thao túng cổ phiếu.
 
 
 
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
 
*Xảy ra như “cơm bữa”
 
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, tăng hơn 80 vụ so với năm 2020. Số tiền thu được từ xử phạt năm 2021 tăng 5,6%, xấp xỉ 21 tỷ đồng, trong khi năm 2020 gần 19,8 tỷ đồng.
Các vi phạm phổ biến nhất là báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch, không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch hay không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã công bố 5 quyết định xử phạt hành chính đối với cá nhân và doanh nghiệp vi phạm.
Chẳng hạn ngày 10/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 17/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Thanh Hương, địa chỉ: P3-E2B Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Theo đó, bà Hương bị phạt tiền 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 5, Điểm đ Khoản 2 và Khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Lý do xử phạt là vì bà Hương đã có hành vi không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương là người có liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (mã chứng khoán: ELC).
Bà Hương đã mua 100.000 cổ phiếu ELC, tương ứng 1 tỷ đồng tính mệnh giá cổ phiếu ELC vào ngày 2/7/2021. Sau đó, bà Hương bán 100.000 cổ phiếu ELC trong tháng 8/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
Trước đó, ngày 4/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 02/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính, mức tiền 85 triệu đồng đối với Công ty cổ phần CMC, địa chỉ: Lô B10-B11 Khu công nghiệp Thuỵ Vân, xã Thuỵ Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Lý do xử phạt là do công ty vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cuối tháng 8/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát đi thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Cụ thể, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Mỗi cá nhân trên bị phạt tiền 600 triệu đồng, tổng giá trị phạt là 1,2 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, giá cổ phiếu FTM liên tục lao dốc từ mức gần 24.000 đồng/cổ phiếu xuống còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cho vay margin (giao dịch ký quỹ) cổ phiếu FTM.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra và xác định theo quy định tại Điều 211 - Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.
Cuối tháng 7/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trần Ngọc Bê (Hà Nội), với số tiền phạt 940,35 triệu đồng.
Lý do ông Bê bị phạt do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu cổ phiếu VPB và bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1/2021. Ông Bê tiếp tục mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 2/2021 và mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3/3/2021, nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.
 
*Phạt tiền đã đủ ren đe?
 
Thực tế cho thấy, dù rất nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng diễn ra trên thị trường chứng khoán, nhưng hầu như các vụ xử lý hình sự vi phạm về lĩnh vực chứng khoán rất ít.
Qua báo cáo định kỳ hàng năm của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, điều dễ thấy là số mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường khá nhiều, nhưng thường không xác định được hậu quả do hành vi thao túng giá cổ phiếu gây ra. Đặc biệt, để xác định lợi ích thu được từ hành vi này rất khó khăn vì không đủ căn cứ.
 
 
Những hành vi vi phạm của doanh nghiệp khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Ảnh minh họa: TTXVN
 
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin gây ra nhiều rủi ro liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Về phía doanh nghiệp, uy tín doanh nghiệp giảm xuống. Bên cạnh đó, thị trường sẽ trở nên thiếu minh bạch và khó được xem xét để nâng hạng. Về phía nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào doanh nghiệp, bởi minh bạch là yếu tố tối thiểu để nhà đầu tư quyết định có nên mua một cổ phiếu hay không.
Dù cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm công bố thông tin trên thị trường, nhưng hầu như mới chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính. Hơn nữa, các vi phạm hành chính vẫn áp dụng chế tài xử phạt còn nhẹ nên nhiều cổ đông lớn sẵn sàng đánh đổi chi phí phạt và lợi nhuận thu về.
Do vậy, cần phải nâng mức phạt cho hành vi không công bố thông tin dự kiến giao dịch và không nên giới hạn mức tiền phạt là 1,5 tỷ đồng. Đây là mức rất nhỏ so với những phiên giao dịch thu về hàng nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng rất xấu đến thị trường chứng khoán.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân vẫn diễn ra tình trạng thao túng giá chứng khoán là mức xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe. Nếu theo dõi những diễn đàn chứng khoán trên Facebook, Youtube, Zalo... có thể thấy những thông tin theo kiểu “phím hàng”, định hướng rất nhiều.
Thực tế mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có khuyến cáo nhà đầu tư cẩn thận, tránh bị lôi kéo và cuốn theo các luồng thông tin trên mạng xã hội khi mua bán cổ phiếu. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua, cùng với sự thăng hoa của chứng khoán, nhiều hội nhóm đầu tư được tạo ra trên Zalo, Facebook, Telegram để trao đổi thông tin đầu tư.
Trong thông cáo phát đi ngày 28/12/2021, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết đã phát hiện trong số đó có hội nhóm tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật để lôi kéo và xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng, các nhóm chat này.
Theo ông Phan Dũng Khánh, với thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ cũng có việc thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, luật pháp của họ rất nghiêm ngặt nên không có chuyện “phím hàng” công khai như vậy.
“Không như ở Việt Nam, nhà đầu tư có thể hỏi thông tin về mã cổ phiếu và coi chuyện này là điều hiển nhiên trao đổi trên các diễn đàn, mạng xã hội. Do vậy, phải ngăn chặn việc "phím hàng" công khai trên mạng xã hội bằng cách xử lý mạnh tay”, ông Khánh kiến nghị.
Còn luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật kiến nghị, trong tương lai hệ thống sẽ không cho phép những người bị hạn chế giao dịch được tự do giao dịch bình thường.  Như vậy, những sai phạm bán “chui” cổ phiếu sẽ được giải quyết căn bản, không phát sinh.
Do đó, về mặt luật pháp phải tăng nặng mức xử phạt hành chính cũng như hình sự để có tác dụng răn đe. Bởi, việc bán "chui" chứng khoán là vấn nạn trong suốt thời gian qua do mức xử phạt vẫn chưa đủ tính răn đe.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, cũng cho rằng, chế tài xử phạt các hành vi trong lĩnh vực chứng khoán rõ ràng đang có những bất cập. Sự bất cập này do cách tiến hành xây dựng các quy phạm pháp luật ở nước ta có những hạn chế, nhất là các lĩnh vực mới, hình thức, giá trị, cách thức đều không tuân theo quy luật truyền thống.
Các cơ sở làm căn cứ trong cách đưa ra các mức xử phạt vi phạm hành chính liên tục bị lỗi thời do sự phát triển của kinh tế - xã hội vượt quá xa khả năng ứng biến của các quy định pháp luật.
Cách xây dựng chế tài của nước ta cũng có những bất cập cho người thừa hành còn vì lý do người xây dựng và người thừa hành dường như tách rời, không liên quan đến nhau trong quá trình xây dựng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), thực tế, có nhiều cổ phiếu thị giá rất cao, nhưng doanh nghiệp làm ăn bết bát, thậm chí thua lỗ, giá trị doanh nghiệp thấp nhưng cổ phiếu tăng hàng chục lần. Các cổ phiếu loại này cũng có thể coi là những cổ phiếu rác, gây ảnh hưởng đến thị trường và nhà đầu tư.
Theo ông Hải, hồi tháng 6/2021, VAFI đã có đề xuất gửi đến Thanh tra Bộ Tài chính về việc kiến nghị thanh tra tình trạng các cổ phiếu rác, tình trạng doanh thu lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống và tình trạng thổi giá chứng khoán thu lợi bất chính.
Ông Hải cũng cho rằng, những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng chưa bị ngăn cản, phát hiện.
Những cổ phiếu rác này có hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội “bán giấy” thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Theo VAFI, cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết. Có như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng.
Quay trở lại vụ bán "chui" cổ phiếu FLC, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh, triệt để hành vi vi phạm bán “chui” cổ phiếu theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự./.