Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên sáng 24/1, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ xác nhận việc sớm rút lại các biện pháp hỗ trợ vốn là động lực cho sự phục hồi mạnh của các thị trường trong những năm gần đây.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,76%, hay 210,28 điểm, xuống 27.311,98 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,09%, hay 272,12 điểm, xuống 24.693,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,41%, xuống 3.508,24 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,65%, hay 18,49 điểm, xuống 2.815,8 điểm.
Các thị trường hiện dự báo có ít khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tuần này và nhiều khả năng lần tăng lãi suất đầu tiên sẽ là vào tháng Ba tới, lên 0,25 điểm phần trăm và thêm ba lần tăng lên 1% vào cuối năm.
Nhà kinh tế Oliver Allen, Capital Economics, cho rằng Fed đang tiến tới dỡ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng vốn là động lực chính cho các thị trường chứng khoán trong hơn một thập kỷ qua.
Bảng điện tử thông báo chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN
Khả năng lãi suất tăng và lợi suất trái phiếu hấp dẫn hơn đã gây sức ép lên cổ phiếu công nghệ, khiến chỉ số Nasdaq Composite giảm 12% kể từ đầu năm và chỉ số S&P 500 giảm gần 8%.
Tuy nhiên, ông Allen cho rằng chỉ số S&P 500 vẫn tăng 40% so với cuối năm 2019 và chỉ số Nasdaq Composite tăng 60%. Fed vẫn chưa bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và sự phục hồi mạnh của kinh tế Mỹ cho phép Fed thực hiện điều này.
Báo cáo đầu tiên về GDP quý IV/2021 sẽ được công bố trong tuần này và tốc độ tăng trưởng được dự báo đạt 5,4%, trước khi sự xuất hiện của biến thể Omicron gây ra tác động.
Mùa báo cáo lợi nhuận cũng đang diễn ra và trong số các công ty công bố báo cáo trong tuần này có IBM, Microsoft, Johnson & Johnson, Intel, Tesla, Apple và Caterpillar.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 13,16 điểm, xuống 1.459,29 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 3,77 điểm, xuống 413,53 điểm.