TP.HCM đang chuẩn bị hàng trăm héc-ta đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.
Tiềm năng lớn, quỹ đất nhỏ
Sau hơn 1 năm chính thức khởi công xây dựng Nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh tại Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng vốn đầu tư 189 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động quý II/2022, ông Đỗ Phước Tống, Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, đây là nhà máy được đầu tư công nghệ sintering, dập ép bột kim loại và thiêu kết để sản xuất chi tiết máy, linh kiện phụ tùng, phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ cao.
Việc đầu tư nhà máy này, theo ông Tống là nhằm đón đầu cơ hội cung ứng cho doanh nghiệp FDI, bởi khối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối có nhu cầu cung ứng các linh kiện, chi tiết máy của các doanh nghiệp công nghiệp về dụng cụ cầm tay, hệ thống điều khiển, truyền động trong xe máy, ô tô… rất lớn.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, chính quyền TP.HCM sẽ làm hết sức để đưa ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Còn với Công ty TNHH CNS Amura Precision (Khu công nghệ cao, TP.HCM), cuối năm cũng là thời điểm mà nhà máy này phải sáng đèn liên tục để kịp tiến độ xuất những đơn hàng cuối cùng.
Là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực chế tạo khuôn mẫu và cơ khí chính xác, ông Trần Thanh Lãm, Tổng giám đốc CNS Amura Precision cho biết, năm 2021, dù gặp khó khăn vì Covid-19, nhưng doanh thu của Công ty vẫn đạt 115%, lợi nhuận trước thuế đạt 200% kế hoạch, do CNS Amura Precision đã đẩy mạnh mảng thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí chính xác cao.
Trên thực tế, công nghiệp hỗ trợ đang ngày càng có tác động lớn đến sự phát triển bền vững, điều này được thể hiện qua giá trị sản xuất công nghiệp Thành phố chiếm 32,3% sản lượng công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước.
Ngoài Cơ khí Duy Khanh và CNS Amura Precision, đã có nhiều doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp hỗ trợ như Công ty Lập Phúc cung cấp sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao cho Hãng Colgate (Mỹ); Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành tham gia vào chuỗi sản phẩm của Samsung; Công ty Cao su TNHH MTV Thống Nhất sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô tô toàn cầu…
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp hỗ trợ cũng đang gặp những rào cản nhất định. Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, quỹ đất dành cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có 18 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nhưng diện tích đất cũng như tiêu chí, đối tượng nhà đầu tư cần thu hút không phù hợp với doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM chỉ rõ, với tiêu chí “doanh nghiệp phải thuộc ngành sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, có chất lượng, tính năng vượt trội, đủ các điều kiện quy định về tỷ lệ chi cho nghiên cứu, tỷ lệ lao động có trình độ đại học phù hợp”… thì chỉ có doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp FDI mới thực hiện được.
Không những thế, với mặt bằng sản xuất là các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện hữu của Thành phố cũng cơ bản đã được lấp đầy, trong khi các khu mới thì chưa triển khai. Còn quỹ đất trong địa bàn dân cư thì không thể phát sinh thêm các cơ sở sản xuất mới - đặc biệt là các nhà máy sản xuất thuộc những ngành trọng yếu.
“An cư” cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Trao đổi với các doanh nghiệp tại Hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ diễn ra mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, chính quyền TP.HCM sẽ làm hết sức để đưa ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
“Tư duy phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có từ 10 năm nay. Các nghị quyết, văn kiện, kế hoạch chỉ đạo của UBND TP.HCM cũng đã thể hiện rất rõ ràng”, ông Hoan nói và mong các doanh nghiệp chuyển đổi quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh việc thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn.
Để tiếp sức cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nhanh chuyển đổi công nghệ sản xuất, mở rộng quy mô cung ứng sản phẩm, UBND TP.HCM đã phê duyệt hỗ trợ vốn đầu tư cho gần 30 dự án với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP.HCM đang kiến nghị Chính phủ thành lập khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) có quy mô khoảng 668 ha và 90 ha là khu dân cư liền kề, nhà trọ, nhà ở cho công nhân. Khu công nghiệp này dự kiến hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, tập trung thu hút đầu tư ngành điện, điện tử, cơ khí tự động hóa, hỗ trợ khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ không thâm dụng lao động và không gây ô nhiễm môi trường.
Thông tin về việc thành lập Khu Công nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao lập tức được nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia đặc biệt quan tâm. Bởi khu công nghiệp hỗ trợ thường được phát triển theo kiểu cụm liên kết ngành. Các doanh nghiệp trong khu có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của một sản phẩm/cụm linh kiện, từ khâu cung cấp nguyên liệu cho đến việc lắp ráp thành cụm chi tiết và giao cho nhà lắp ráp.
Do đó, một khu công nghiệp hỗ trợ sẽ bao gồm không chỉ doanh nghiệp sản xuất, mà còn có thể bao gồm cả nhà cung cấp nguyên liệu thô, các nhà thầu phụ gia công một phần công nghệ của sản phẩm, các doanh nghiệp cung cấp máy móc…
Có kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với phát triển công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Hoài (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM), chỉ ra khu công nghiệp sinh thái là định hướng phát triển trung và dài hạn của Thành phố. Tất cả khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu tại Thành phố đã hoàn thành “sứ mạng lịch sử” từ những năm 1990 với tính hiệu quả và đổi mới sáng tạo chưa rõ nét.
“Trong giai đoạn chuyển đổi, Thành phố phải bổ sung hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kết nối chuỗi cung ứng trong - ngoài khu vực và quốc tế, đồng thời kết nối doanh nghiệp với các chính sách ưu tiên, hỗ trợ của Thành phố”, ông Hoài nói và cho rằng, để doanh nghiệp đầu tư vào khu này, TP.HCM phải đáp ứng 3 tiêu chí là diện tích, giá thuê đất phù hợp, đầu tư minh bạch và hệ thống cung ứng hỗ trợ sẵn sàng.