Sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây của ngành dệt may. Đặc biệt nếu xét trong 3 tháng 6,7,8 lên tiếp ngành dệt may lập đỉnh xuất khẩu.
Nhưng đến giữa tháng 9 xuất khẩu dệt may đã giảm tốc và nhiều dự báo cho thấy quý IV/022 và đầu năm 2023 sẽ tiếp tục nhiều thách thức với ngành dệt may của Việt Nam khi nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới đang chững lại do khó khăn kinh tế toàn cầu, nhiều yêu cầu và quy định kỹ thuật có hiệu lực.
Cụ thể, bối cảnh lạm phát của một số quốc gia như Mỹ, EU tăng cao, người dân hạn chế chi tiêu, may mặc là một trong những nhóm hàng bị cắt giảm nhiều nhất. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP và EU như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…
Suy thoái kinh tế đang có tác động tiêu cực đến việc xuất khẩu dệt may của Việt Nam (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng thay đổi nhanh, khó dự báo để lên kế hoạch dài hạn từ 1 đến 2 năm như trước, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các đối tác mới, kể cả những đơn hàng nhỏ, ổn định để vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Văn Thư - Tổng Giám đốc Tổng công ty may Tuyên Quang LGG, tình hình thị trường đơn hàng đang rất khó khăn do ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế. Thị trường tiêu dùng nước ngoài cũng đang thay đổi. Việc giữ được khách hàng là ưu tiên số 1.
"Các nhà máy cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, nghĩa là khả năng phải chuyển đổi nhanh, sản xuất cả mặt hàng dệt thoi dệt kim, hay chuyển đổi từ thị trường Mỹ sang Hàn Quốc.. mà vẫn đảm bảo chất lượng, doanh thu", ông Lưu Tiến Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần liên tục rà soát chuỗi cung ứng và các sản phẩm cuối cùng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ để đảm bảo không vi phạm các quy định của thị trường Hoa Kỳ. Dự kiến giai đoạn tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm các nhà xuất khẩu nhận được các đơn hàng từ Hoa Kỳ. Theo dự báo, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có các mặt hàng dệt may.
Dù thách thức là không nhỏ song theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) hiện hầu hết các doanh nghiệp đang đều vận hành 80-90% năng lực sản xuất. Ông Dương đánh giá hoàn toàn có thể yên tâm về các đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may.
Thách thức quy tắc xuất xứ
Ngoài nhu cầu nhập khẩu suy giảm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Theo thống kế, dệt may Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu. Khả năng nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu dệt may của Việt Nam chưa lớn, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa. Trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may đạt khoảng 46 - 47%. Hiện nay, ngành dệt may vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Năm 2021, nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may đều tăng khá cao so với năm trước, trong đó nhập khẩu mặt hàng vải các loại của cả nước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 20,62% so với năm 2020. Trong 8 tháng năm 2022, trung bình mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu, bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết vấn đề truy suất nguồn gốc về bông là vấn đề mà ngành dệt may, hiệp hội… đã lường trước. Đã có một số đơn hàng bị kiểm tra truy suất nguồn gốc tại Hải quan Hoa Kỳ nhưng hầu hết đều có thể nhập khẩu bình thường. Tuy nhiên chúng ta cũng phải đặt vấn đề là làm sao chủ động được nguồn nguyên vật liệu.
Sản xuất theo chuỗi với sự phát triển mạnh của công nghiệp hỗ trợ dệt may được xem là yếu tố tiên quyết cho sự bền vững của ngành dệt may (Ảnh minh họa)
"Hiện nay tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may xuất khẩu đang đạt trên khoảng 50%. Nếu so sánh với 10 năm trước, chúng ta đã có bước tăng trưởng tương đối khá khi trước đây phụ thuộc trên 70% vào nước ngoài. Định hướng của chúng tôi đang dần dần từng bước làm thế nào chủ động được khoảng 80 – 90% nguồn nguyên liệu tại chỗ, thứ nhất là để chủ động sản xuất, thứ hai là để hưởng thuế suất của các hiệp định thương mại (nếu có nguồn nguyên liệu tại chỗ sẽ hưởng thuế suất bằng 0)", ông Dương cho biết.
Ông Dương dẫn chứng hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động được nguyên liệu tại chỗ. Ví dụ như với bông, trước đây hầu như đều nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Trung Quốc, hiện phía Bắc đã có 3 nhà máy cung cấp bông đệm cho hàng jacket: TNG, Sông Hồng… Ngoài ra, một số nhà nước sản xuất vải, phụ liệu cho ngành may cũng đã cung ứng một phần cơ bản về những mặt hàng có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo đánh giá, ngành dệt may đạt được những con số xuất khẩu ấn tượng, mỗi năm một kỷ lục mới nhưng thực chất khi chưa có một ngành sản xuất đúng nghĩa tức là sản xuất theo chuỗi với sự phát triển mạnh của công nghiệp hỗ trợ dệt may thì rất giống "xây lâu đài trên cát". Chỉ khi có sản xuất nội địa mạnh từ những khâu đầu tiên trong chuỗi thì giá trị gia tăng của một sản phẩm dệt may mới lớn và thực sự đóng góp cho sự phát triển toàn diện và bền vững của kinh tế Việt Nam.