Giải trình về việc lấy hơn 33ha đất trồng lúa thực hiện dự án khu đô thị, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, trước thực trạng quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng của địa phương thì việc giảm đáng kể diện tích đất nông nghiệp trong đó có diện tích đất trồng lúa là điều tất yếu khách quan...
Dự án Khu đô thị hai bên đường Ngô Quyền, thành phố Hà Tĩnh có quy mô 42,39ha.
Hà Tĩnh “khẳng định” việc chuyển đổi đất trồng lúa thực hiện dự án là phù hợp
Mới đây, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 2007/TCQLĐĐ-CQLĐĐ yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh giải trình, bổ sung hồ sơ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng 33,06ha đất nông nghiệp (đất trồng lúa) sang mục đích khác để thực hiện Dự án Khu đô thị mới 2 bên đường Ngô Quyền, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh.
Trong công văn giải trình, UBND tỉnh Hà Tĩnh lý giải về tên gọi và quy mô diện tích dự án đầu tư như sau, căn cứ theo Nghị Quyết số 75/NQ-CP ngày 13/6/2018, của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Hà Tĩnh thì Dự án có tên gọi là “Khu đô thị-Thương mại dịch vụ hai bên đường Ngô Quyền” có quy mô diện tích là 150ha.
Mục tiêu dự án là hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu dân cư, bố trí các công trình nhà ở, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân cư trong khu vực; tạo quỹ đất ở với hạ tầng đồng bộ, phát huy hiệu quả khai thác sử dụng quỹ đất, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh và các địa phương lân cận; góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hà Tĩnh...
Bên cạnh đó, dự án cũng có tên gọi khác là Khu đô thị-Thương mại dịch vụ Ngô Quyền tại xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh với quy mô 42,79ha, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng điều này phù hợp với mục tiêu quy hoạch đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước đó.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, dù chưa có sự thống nhất hoàn toàn về tên gọi và quy mô diện tích nhưng 2 tên gọi nêu trên là một dự án và được chấp thuận với diện tích 42,79ha là để đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Cùng với đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định việc chuyển đổi 33,06ha đất trồng lúa để đảm bảo diện tích thực hiện dự án là phù hợp, bởi diện tích này nhỏ hơn so với chỉ tiêu được phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích đất phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh và xã Thạch Trung, đảm bảo thống nhất số liệu giữa chủ trương phê duyệt với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Tĩnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giải trình các vấn đề liên quan đến việc thẩm định và ban hành quyết định chủ trương đầu tư, các hồ sơ tài liệu liên quan khác liên quan đến dự án. Đồng thời, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cam kết và chịu trách nhiệm về việc đề nghị chuyển đổi 33,06ha đất trồng lúa để thực hiện Dự án Khu đô thị hai bên đường Ngô Quyền tại xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh là đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất trong các văn bản và quyết định liên quan.
Về dự án này, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 6/4/2022 về việc chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu đô thị mới 2 bên đường Ngô Quyền, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh cho Công ty Cổ phần Kosy thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư 796,176 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư góp 119,5 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác 676,676 tỷ đồng.
Về tiến độ xây dựng cơ bản và đưa dự án vào khai thác, dự án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ tháng 02/2022-11/2022): Hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hồ sơ liên quan đến dự án, giải phóng mặt bằng, thủ tục thuê đất; giai đoạn 2 (từ 12/2022 -01/2026): Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở thương mại, khu dịch vụ thương mại và các hạng mục khác theo quy hoạch được duyệt. Hoàn thiện các thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho khách hàng...
Được biết, nhà đầu tư sẽ xây dựng đồng bộ phần kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu dân cư với tổng số lô đất ở của dự án là 1.067 lô. Trong đó, xây dựng nhà thô có hoàn thiện mặt ngoài 263 căn nhà liền kề và 69 căn nhà Shophouse dọc tuyến đường Ngô Quyền. Đối với phần diện tích đất ở còn lại sẽ xin phép cấp có thẩm quyền cho chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng theo quy hoạch. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Nhóm “nhà Kosy” cùng nộp hồ sơ cạnh tranh thực hiện dự án
Như đã đề cập ở trên, Dự án Khu đô thị mới 2 bên đường Ngô Quyền, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư hơn 796,1 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cho Công ty Cổ phần Kosy làm nhà đầu tư.
Dự án này trước đó đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 728/UBND-XD ngày 29/10/2020 và được UBND tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư từ năm 2020, thông qua hình thức đấu thầu theo quy định.
Đến đầu tháng 3/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đã mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Qua đó, có 3 nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Kosy, Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư bất động sản Thăng Long và Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị Nam Việt nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
Dự án Kosy Moutain View Lào Cai (ảnh từ Website Kosy.vn ngày 11/01/2021).
Về các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, theo tìm hiểu, cả ba pháp nhân là Công ty Cổ phần Kosy, Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư bất động sản Thăng Long và Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị Nam Việt tham gia nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đều thuộc nhóm “nhà Kosy”.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Kosy được doanh nhân Nguyễn Việt Cường (SN 1976) thành lập vào ngày 10/3/2008. Hiện nay, Kosy có trụ sở chính tại B6-BT15, Khu đô thị mới Mỹ Đình 2, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Khi mới thành lập, Công ty Cổ phần Kosy có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng...
Năm 2011, Kosy bắt đầu chuyển hướng mạnh mẽ sang mảng kinh doanh bất động sản và xác định đây là lĩnh vực chủ đạo với dự án đầu tay mang tên “Kosy Moutain View” quy mô 38ha tại phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai. Từ cuối năm 2017, tên tuổi của Kosy được biết đến nhiều hơn khi trở thành Công ty đại chúng và giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM. Đến tháng 9/2019, Kosy chính thức niêm yết trên HoSE với mã cổ phiếu
KOS.
Trong khi đó, Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư bất động sản Thăng Long được thành lập vào tháng 9/2014, trụ sở đặt tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, người đại diện Công ty là ông Lương Thế Vũ (SN 1977). Đáng chú ý, đến tháng 3/2019, Thăng Long bất ngờ tăng vốn gấp 1.000 lần, từ 500 triệu đồng lên mức 500 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm: Trần Thị Kim Oanh (20% CP), Lê Công Thọ (40% CP) và Lương Thế Vũ (40% CP).
Về nhà đầu tư còn lại, Công ty Cổ phậnd Đầu tư đô thị Nam Việt được thành lập ngày 18/01/2019 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản... Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Phương Lan (SN 1983). Nam Việt có số vốn điều lệ 300 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm bà Nguyễn Thị Phương Lan (40% CP), bà Hoàng Thị Yến (30% CP) và ông Lê Công Thọ (30% CP).
Qua đó, có thể thấy, ngoài Thăng Long, ông Lê Công Thọ cũng nắm giữ 30% vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị Nam Việt. Còn bà Trần Thị Kim Oanh cũng được biết đến là được Công ty Cổ phần Kosy bầu làm Thành viên HĐQT độc lập vào tháng 6/2020.
Từ một doanh nghiệp có vốn điều lệ ban đầu 120 tỷ đồng, sau đó chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Kosy liên tiếp nâng vốn điều lệ lên mức hơn 2.164 tỷ đồng từ khi trở thành Công ty đại chúng từ năm 2017. Đây là dấu mốc quan trọng nâng vị thế Kosy trên thị trường chứng khoán, vậy tình hình kinh doanh của Kosy khi đầu tư mảng bất động sản và năng lượng hiện nay ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích ở bài viết tiếp theo.