Gần 75% số người tiêu dùng châu Âu đang phải cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng hằng ngày, trong đó có cả thực phẩm, trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 24/10 cho biết gần 75% số người tiêu dùng châu Âu đang phải cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng hằng ngày, trong đó có cả thực phẩm, trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng.
Theo kết quả cuộc khảo sát, do công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường IRI thực hiện, 71% số người tiêu dùng tại 6 thị trường chính ở châu Âu đã thay đổi đáng kể thói quen mua sắm trong bối cảnh phải nỗ lực ứng phó với lạm phát - vốn đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong 40 năm qua.
Khảo sát của IRI cũng cho thấy 58% số người tiêu dùng được hỏi cho biết đã cắt giảm các nhu cầu thiết yếu, trong đó 35% chuyển sang tiết kiệm cá nhân và vay nợ để thanh toán hóa đơn.
Chuyên gia Ananda Roy thuộc IRI nhấn mạnh: “Rõ ràng mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng và xu hướng đi du lịch có thể xấu đi, với khả năng giá tăng mạnh hơn nữa do chi phí đầu vào cao và giá năng lượng biến động.”
Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đang tác động đến ngân sách của các hộ gia đình trên khắp châu Âu, trong khi nguồn cung năng lượng hạn hẹp đang buộc các hộ gia đình và ngành công nghiệp phải gồng mình đối phó với nguy cơ mất điện trong mùa Đông này.
Niềm tin của người tiêu dùng trên toàn châu lục vẫn ở gần mức thấp kỷ lục và ngày càng có nhiều lo ngại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Chuyên gia Ananda Roy cho rằng tình trạng lạm phát nghiêm trọng mà người tiêu dùng châu Âu phải đối mặt đang buộc họ phải thực hiện một loạt “hành vi ứng phó” chưa từng thấy kể từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.
Cụ thể, nhiều người đã chuyển sang mua sắm ở chuỗi cửa hàng tạp hóa giảm giá, mua các mặt hàng nhãn hiệu bình dân, các sản phẩm giảm giá, thậm chí là hàng hết hạn sử dụng.
Những thay đổi không chỉ xảy ra trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở các cửa hàng tạp hóa.
Theo kết quả khảo sát đối với 3.000 người tiêu dùng toàn cầu do IRI thực hiện, hơn 50% số người châu Âu cho biết đặt ít đồ ăn hơn và 47% cho biết sẽ hạn chế ăn, uống ở nhà hàng, quán bar hoặc quán càphê.
Trong bối cảnh lạm phát chưa có dấu hiệu dịu bớt trong thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng các nhà bán lẻ và người tiêu dùng sẽ phải tiếp tục thích ứng với tình hình./.