• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 12:52:44 SA - Mở cửa
Phát triển bền vững thế mạnh cây sầu riêng
Nguồn tin: VietNam+ | 31/10/2022 7:35:00 SA
Trong bối cảnh, thị trường tiêu thụ chính ngạch được mở rộng, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.
 
Sầu riêng đã trở thành cây ăn trái chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân. Trong bối cảnh, thị trường tiêu thụ chính ngạch được mở rộng, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện nay, sầu riêng là loại cây trồng chủ lực tiềm năng thế mạnh của tỉnh, được trồng chủ yếu ở những vùng đất đỏ bazan. Tổng diện tích sầu riêng năm 2022 ước đạt 15.250 ha, chiếm 35,20% diện tích cây ăn quả, tăng 13.000 ha so với năm 2015, sản lượng ước đạt 156.392 tấn, ước sản lượng đến năm 2025 ước khoảng 300.000 tấn. Một số huyện có diện tích trồng sầu riêng lớn như huyện Krông Pắc 3.600 ha, Krông Năng 4.200 ha, Ea H’leo 1.700 ha, thị xã Buôn Hồ 1.200 ha...
 
 
Hiện nay, sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người trồng sầu riêng.  Cây sầu riêng của tỉnh đang được trồng thuần và trồng xen trong vườn cà phê, diện tích trồng xen sầu riêng là 4.900 ha trên tổng số 75.742 ha chiếm 6,5% với thu nhập từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha có trường hợp trên 1 tỷ đồng đã giúp cho người nông dân tăng thêm thu nhập trên đơn vị diện tích đảm bảo sinh kế. Bước đầu cũng đã hình thành được một số vùng trồng quy mô lớn phục vụ nhu cầu cho xuất khẩu.
 
Sầu riêng được mệnh danh là Vua trái cây trên toàn thế giới, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về sản xuất sầu riêng. Trong những năm gần đây, hương vị sầu riêng Việt Nam đã không chỉ chinh phục thị hiếu của khách hàng trong nước mà còn vươn ra nhiều thị trường trên thế giới như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hongkong (Trung Quốc), Hoa Kỳ, chây Âu ...
 
Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đi hơn 20 thị trường, chất lượng sầu riêng của Việt Nam được người tiêu dùng đánh giá cao và giá cả phù hợp nên có khả năng cạnh tranh với một số nước như Thái Lan, Malaysia…, Trung Quốc là một thị trường có nhiều tiềm năng và ngày càng ưa chuộng sầu riêng.
Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đây là thành công lớn của ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cũng là niềm vui lớn của các ngành, các cấp, khối các doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân. Đây vừa là thời cơ nhưng cũng chính là thách thức đối với các ngành, các cấp, doanh nghiệp, nông dân bởi vì muốn xuất khẩu trái sầu riêng, các bước chuẩn bị phải làm rất kỹ càng, từ khâu liên kết xây dựng, thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói cho đến quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại…
 
Toàn tỉnh Đắk Lắk đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp  23 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích 1447,9 ha; 15 mã vùng trồng đã thiết lập chờ duyệt: 15 mã, diện tích 680,1 ha; vùng trồng đã tiếp nhận hồ sơ: 35 hồ sơ, diện tích 1.400 ha.
 
Hiện nay, tại địa bàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp thu mua quả sầu riêng tươi từ các vùng trồng đã được cấp mã số để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.  Theo thống kê sơ bộ đến ngày 24/10/2022 tổng sản lượng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.000 tấn, dự kiến đến hết vụ xuất khẩu khoảng 6.000 tấn.
 
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế có được để phát triển thị trường ngành hàng sầu riêng cũng đứng trước khá nhiều thách thức, khó khăn cần tháo gỡ để phát triển bền vững.
 
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hạn chế lớn nhất là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, và chủ yếu là trồng xen, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Việc thực hiện liên kết từ sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ chưa thực sự hiệu quả.
 
Thực tế cho thấy tính ràng buộc về trách nhiệm và lợi ích của cá nhân tham gia liên kết (kể cả liên kết chính thống) còn rất hạn chế, do vậy kết quả và hiệu quả vẫn chưa ổn định và bền vững. Cùng với đó, nhận thức của người dân trong sản xuất cũng như trong chuỗi liên kết vẫn còn hạn chế, do đó cũng làm ảnh hưởng đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
 
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, ngành nông nghiệp của tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp.
 
Trước hết, tỉnh tổ chức rà soát lại các loại cây ăn quả chủ lực nói chung và sầu riêng nói riêng về diện tích, năng suất, sản lượng, mã số vùng trồng. Đồng thời, xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả và nhà máy chiếu xạ để phục vụ cho sản phẩm các tỉnh Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Xây dựng và hoàn thiện quy trình theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
 
Cùng đó, hoàn thiện kế hoạch triển khai công tác thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
 
Tỉnh cũng tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng, xây dựng trang thông tin điện tử để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP…, để sản phẩm có truy suất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu rất lớn trên thị trường thế giới. Thành lập Hiệp hội sầu riêng với sự tham gia của các tổ chức có liên quan để đặt mục tiêu xuất khẩu, bảo hộ thương hiệu sầu riêng Việt Nam, tìm kiếm thị trường…
 
"Trái sầu riêng hay bất cứ một loại nông sản nào khác, muốn đi xa tạo thị trường bền vững thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải chung sức chung lòng, hợp tác để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước cần đi cùng nhau trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại đầu tư để xây dựng sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế", ông Nguyễn Hoài Dương chia sẻ.
 
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác; phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất. Đi đôi với tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện; ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi vi phạm.
 
Đồng thời, tiếp thu, chỉnh sửa các ý kiến góp ý khẩn trương hoàn thiện kế hoạch quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng cây ăn quả theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
 
Có như vậy, mới từng bước tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng, an toàn, minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp đa giá trị, an toàn, bền vững, hiệu quả cả về kinh tế-xã hội và môi trường./.