Những năm gần đây, Thái Nguyên được biết đến là một trong những địa phương có nhiều sự đột phá trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nên sự phát triển toàn diện cũng như diện mạo mới cho tỉnh ngày nay.
Thái Nguyên là một trong số ít các tỉnh được các Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao về công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Hiện nay, Thái Nguyên có 14 đô thị, thuộc cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó có: 3 đô thị cấp tỉnh là thành phố Thái Nguyên (đô thị loại I), thành phố Sông Công và thành phố Phổ Yên (đô thị loại III); 9 đô thị cấp huyện gồm: 5 thị trấn huyện lỵ và 4 thị trấn khác thuộc huyện (trong đó thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ là đô thị loại IV); 2 đô thị mới loại V là đô thị Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ) và đô thị mới Điềm Thụy (huyện Phú Bình). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 41,05%.
Riêng các đô thị là động lực, tập trung tại khu vực phía Nam dọc theo Quốc lộ 3 và đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đây là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, dịch vụ với các thành phố Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên, hiện đang được tỉnh ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, (hạ tầng kết nối vùng về giao thông, khu công nghiệp của Phổ Yên, Phú Bình, Sông Công với vùng Thủ đô Hà Nội), tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị đối với các đô thị có vai trò là hạt nhân cấp vùng để thúc đẩy sự phát triển đô thị ở quy mô lớn, phát triển kết nối du lịch, dịch vụ đồng thời từng bước đầu tư xây dựng cho 2 đô thị Đại Từ và Phú Bình để hình thành thị xã trong giai đoạn kế tiếp.
Nhờ quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và bền vững mà những năm qua, Thái Nguyên đã trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực về tài chính, uy tín trong và ngoài nước đã và đang tích cực xúc tiến, đầu tư các dự án vào Thái Nguyên như: Dự án Khu đô thị Danko City; Dự án Khu văn hóa thể thao vui chơi giải trí Linh Sơn Hills; Dự án tổ hợp Khu đô thị Thái Hưng Eco City; Dự án TNG Village; Dự án Khu đô thị TMS Bắc Sơn, Dự án Khu đô thị TMS Thịnh Đán; Dự án Trung tâm thương mại Việt Nhật – siêu thị Go!… và rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tìm đến như Tập đoàn T&T, Tập đoàn Samsung...
Trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2035 được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt, đã định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 15 đô thị, trong đó hình thành 2 đô thị mới là thị xã Phú Bình và thị xã Đại Từ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thái Nguyên tiếp tục xác định công tác quy hoạch, phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quy hoạch phải đi trước một bước. Tỉnh Thái Nguyên đã bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực trong công tác lập, triển khai các đồ án quy hoạch đô thị, khu chức năng, quy hoạch Nông thôn mới. Đến nay, 100% đô thị được lập quy hoạch chung, gần 50% diện tích đất nội thị đã được quy hoạch chi tiết, các đô thị lớn như: thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công đã được phủ quy hoạch phân khu toàn bộ khu vực nội thành. Công tác quản lý, công bố công khai, cắm mốc giới quy hoạch được triển khai kịp thời, đúng quy định. Chất lượng các đồ án quy hoạch được nâng lên; phần lớn quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được triển khai cụ thể bằng các dự án phát triển đô thị. Hệ thống hạ tầng khung của các đô thị Thái Nguyên cùng nhiều khu đô thị, khu dân cư được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã và đang góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng đô thị thông minh - xanh - sạch - đẹp ngày càng rõ nét.
Phối cảnh phố đi bộ và Trung tâm hành chính tỉnh đang được tỉnh Thái Nguyên triển khai đầu tư xây dựng nhằm nâng tầm đô thị.
Thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 13/4/2022 với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, xác định đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh đạt trên 7,5% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt trên 8,2%. Số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 là 15 đô thị trong đó có 5 đô thị cấp tỉnh (gồm 1 đô thị loại I là thành phố Thái Nguyên, 2 đô thị loại II là thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên, 2 thị xã là Phú Bình và thị xã Đại Từ). Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16% vào năm 2025, 16-26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2 vào năm 2025, khoảng 8-10m2 vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP của tỉnh khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.
Thái Nguyên phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch (phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương).
Để đạt được các mục tiêu về phát triển đô thị mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, Thái Nguyên đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trên cơ sở bám sát quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Tập trung xây dựng các đô thị trên cơ sở xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là các đô thị động lực của từng vùng và của tỉnh, đô thị kết nối khu vực và liên vùng. Tập trung phát triển đô thị theo các hành lang phát triển với các tuyến giao thông quốc gia và vùng: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; cao tốc Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội; Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3C, Quốc lộ 17; đường Hồ Chí Minh; tuyến đường liên kết vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc và các tuyến đường tỉnh lộ quan trọng.
Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị. Thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh. Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các đô thị lớn. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô thị để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình của quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh của tỉnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị thông minh; xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hoá. Phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị; nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý vùng đô thị phù hợp cho giai đoạn mới.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm gần đây Thái Nguyên luôn là điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI.
Với những bước đi bài bản, vững chắc trong quy hoạch và phát triển đô thị, các đô thị trên địa bàn Thái Nguyên đã và đang ngày càng phát huy vai trò là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng của tỉnh, điều đó không những giúp cho Thái Nguyên phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý mà còn không ngừng vươn lên xứng tầm là trung tâm văn hóa - kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.