Sau những nỗ lực để phát triển, Long An đã tập trung đồng bộ các giải pháp để những thành quả ấy phát triển bền vững, xứng đáng với những thế mạnh chỉ có ở Long An. Trước thềm Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng Long An về 10 năm phát triển của các đô thị tại Long An.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An.
PV: 10 năm gần đây, tỉnh Long An đã có những bước chuyển mình rõ rệt, nhiều khu đô thị mới được hình thành, vậy đâu là thành quả có ý nghĩa đặc biệt của quá trình này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An: Long An là “cửa ngõ” của Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Vì vậy Long An đang tiếp tục nỗ lực để có vị thế tương xứng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, Long An có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố) với 19 đô thị, trong đó, có 1 đô thị loại II (thành phố Tân An), 6 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Long An có diện tích tự nhiên: 4.494,94Km2. Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay của tỉnh đạt khoảng 33%.
Trong 10 năm qua, Long An đã xây dựng được Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, thành phố Tân An đã triển khai thí điểm đề án đô thị thông minh, đẩy nhanh thực hiện tiến độ quy hoạch trục động lực kết nối Tiền Giang - Long An - Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch phân khu xây dựng dọc hai bờ sông Vàm Cỏ Tây, quy hoạch chi tiết xây dựng khu liên hợp văn hóa thể dục thể thao tỉnh…
Nổi bật nhất là Chương trình phát triển đô thị, từ đó tạo động lực, định hướng để các địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện có và hình thành phát triển các đô thị mới. Trong đó lấy đô thị thành phố Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; các đô thị Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và vùng giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, có thể nói diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh Long An có sự thay đổi rõ nét, nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, tạo ra cảnh quan mới khang trang, sạch, đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao cuộc sống người dân trên địa bàn.
PV: Long An đang trên đà phát triển nhanh và tại đây đã xuất hiện những khái niệm về “đô thị vùng công nghiệp”. Vậy Long An định hướng như thế nào để phát triển hài hoà giữa đô thị trung tâm (thành phố Tân An) và đô thị các vùng theo trục động lực?
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An: Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2030 hướng đến mục tiêu đưa Long An trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo Quy hoạch thì cấu trúc không gian tỉnh Long An trong tương lai sẽ có 2 hành lang - 1 trung tâm - 1 vùng - 6 trục động lực.
Theo đó, Long An sẽ đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Các đô thị của Long An đã được định hướng phát triển đồng bộ và bền vững.
PV: Định hướng có rồi thì quản lý sự phát triển ấy như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An: Để bảo toàn và phát triển thành quả cũng như đi đúng định hướng đã đề ra, Long An đang từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Công tác quản lý, tạo cơ chế thu hút đầu tư hiệu quả sẽ được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh nhằm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư để huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực dành cho hạ tầng đô thị.
Công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết sẽ được nâng cao làm cơ sở cho việc phát triển, mở rộng và nâng cấp đô thị, đồng thời giới thiệu địa điểm, thu hút đầu tư, cấp giấy phép và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng tầm chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị từ tỉnh đến cơ sở.. Ngoài ra, tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội và tổ chức cùng chung tay tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, kiến tạo đô thị xanh - sạch - đẹp”
PV: Trước mắt Long An có rất nhiều việc phải làm để các đô thị Long An đi đúng định hướng, vậy lộ trình này có gì khó khăn không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An: Đúng là còn nhiều khó khăn để thực hiện các đô thị Long An phát triển đồng bộ và bền vững.
Đầu tiên phải nhìn nhận, nguồn kinh phí ngân sách cho đầu tư phát triển đô thị không được xem xét bố trí riêng cho đầu tư phát triển đô thị mà được lồng ghép trong phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn. Đó là lý do tỉnh Long An xác định bên cạnh việc khai thác hiệu quả các nguồn thu và cơ cấu lại chi ngân sách để tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình và chương trình đột phá thì tăng cường kêu gọi xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP); đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của Trung ương đối với các dự án có tác động lan tỏa đến việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực nhằm bảo đảm các dự án được triển khai thực hiện đúng tiến độ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc Chương trình phát triển đô thị của Long An phát triển theo đúng kế hoạch đề ra.