• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
25 Tháng Mười Một 2024 2:36:20 SA - Mở cửa
‘Sóng’ từ cổ phiếu nhà băng
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 22/11/2022 8:25:22 SA
Từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu ngân hàng liên tục tạo ra các con sóng nhỏ, cùng các giao dịch “bùng nổ”, thậm chí còn trở thành “người hùng” của VN-Index khi liên tục đỡ chỉ số. Mặc dù có nhiều thông tin tích cực, song ảnh hưởng từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá vẫn có thể kéo dài tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu này trong triển vọng ngắn và trung hạn.
 
Đóng cửa tuần qua (18/11), có 13/27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá so với cuối tuần trước đó. Tăng mạnh nhất là cổ phiếu NVB (+22%). Theo sau là STB (+9,6%), OCB (+7,9%), VIB (+5,1%),… Một số cổ phiếu lớn cũng tăng giá như CTG (+4,7%), VCB (+1,3%),…
 
Hồi phục mạnh mẽ
 
Đáng chú ý, trong 13 cổ phiếu ngân hàng giảm giá tuần qua, EIB là mã giảm mạnh nhất (-19,7%), với 4 phiên giảm kịch biên độ (14-17/11) và khối lượng chất sàn rất lớn. Tuy nhiên, đến phiên 18/11, EIB bất ngờ đảo chiều tăng kịch trần với hơn 5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, sau 7 phiên giảm sàn liên tiếp, giúp mức lỗ của nhà đầu tư được thu hẹp xuống gần 20% trong tuần qua và khoảng 47% kể từ đầu tháng 11. Cùng với đó, thanh khoản khớp lệnh tăng đột biến, đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tuần trước đó.

 
Từ đầu năm tới nay, HDB được khối ngoại mua ròng hơn 21 triệu cổ phiếu.
 
Riêng cổ phiếu HDB đã kín room ngoại sau 6 phiên liên tiếp và được các quỹ ngoại miệt mài mua vào với tổng khối lượng mua ròng khoảng 9,2 triệu cổ phiếu. Tính chung từ đầu năm tới nay, HDB được khối ngoại mua ròng hơn 21 triệu cổ phiếu.
 
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã có một tuần giao dịch “bùng nổ” khi giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tương đương bình quân 2.600 tỷ đồng/phiên. Có tới 5 mã có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ, ngoài EIB nêu trên, còn có STB (2.600 tỷ đồng), VPB (1.400 tỷ), CTG (1.300 tỷ), MBB (1.300 tỷ).
 
Trong đó, STB dẫn đầu thanh khoản dẫn đầu ngành, và cũng là mã được khối ngoại gom mạnh nhất, mua ròng tới hơn 50 triệu đơn vị, giá trị tới hơn 812 tỷ đồng. Ngoài ra còn có OCB (gần 130.000 cổ phiếu), CTG (hơn 11,5 triệu cổ phiếu), HDB (hơn 8 triệu cổ phiếu), SHB (3 triệu cổ phiếu), BID (1 triệu cổ phiếu),…
 
Xu hướng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 11, qua đó đưa định giá của nhiều mã về vùng hấp dẫn.
 
Theo dữ liệu của WiGroup, khoảng 50% các ngân hàng đang được niêm yết có mức định giá P/B nhỏ hơn 1. Định giá P/B tính đến ngày 3/11 của nhóm ngân hàng chỉ ở mức 1,37, tiệm cận với giai đoạn Covid-19 bùng phát trong năm 2020 và thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm là 1,8 lần.
 
Mặt khác, trong báo cáo công bố mới đây, nhiều quỹ ngoại cũng đưa ra nhận định tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.
 
Theo VinaCapital, ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao trong dài hạn do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp và thu nhập tăng.
 
Còn các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam nhận định, năm 2022, tín dụng được cải thiện, lợi nhuận bình quân toàn ngành có thể đạt mức tăng 30% so với năm 2021. Các thông tin khác hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng là một số nhà băng đang triển khai kế hoạch bán vốn chiến lược, ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán bảo hiểm độc quyền, hay khả năng được chấp thuận tăng room ngoại.
 
Còn nhiều chông gai
 
Có thể thấy, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm lại và NIM khó mở rộng do mặt bằng lãi suất tăng, các ngân hàng đã đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi để đảm bảo hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra hồi đầu năm. Chuyển đổi số và tập trung vào bán lẻ được cho là những yếu tố quan trọng để ngân hàng gia tăng nguồn thu này một cách bền vững.
 
Nhờ đó, nhiều ngân hàng vẫn đang đi đúng tiến độ kế hoạch kinh doanh. Thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng cho biết có 22 ngân hàng đã hoàn thành trên 70% kế hoạch kinh doanh cả năm, trong đó có 14 nhà băng đạt trên 80% và có 3 nhà băng vượt 100%.
 
Tuy nhiên, trong báo cáo phân tích mới nhất về ngành ngân hàng, SSI Research cho rằng, bảng cân đối kế toán của nhóm ngân hàng nằm trong phạm vi nghiên cứu đang có dấu hiệu yếu đi. Trong đó, các chỉ tiêu thanh khoản là tâm điểm chú ý, và trở ngại lớn nhất đối với vấn đề này đến từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Hiện thanh khoản đang bị mắc kẹt ở cả các khoản cho vay nhóm ngành này, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu. Để thu hút thêm nguồn vốn từ tiền gửi của khách hàng, việc tiếp tục tăng thêm lãi suất dường như là khó tránh khỏi.
 
“Mặc dù ghi nhận kết quả tích cực trong quý III/2022, nhưng NIM đã đạt đỉnh và dự kiến sẽ sớm chịu áp lực. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới. Trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ/trích lập dự phòng cho các khoản vay/trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.”, báo cáo nêu.
 
Tương tự, chuyên gia của VinaCapital cũng chỉ ra những lo lắng đối với ngành ngân hàng trong ngắn hạn. Đó là những lo ngại có thể đến từ biên lợi nhuận mỏng, do chi phí huy động vốn cao hơn và điều chỉnh lãi suất cho vay chậm hơn, một phần là do Chính phủ kêu gọi hạn chế tốc độ tăng lãi suất cho vay; và rủi ro được nhận thấy đối với chất lượng tài sản từ trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn.
 
Trong khi đó, WiGroup cho rằng, mức định giá hiện tại của nhóm ngân hàng đang khá thấp, song điều này lại phản ánh những khó khăn mà ngành đang gặp phải ở thời điểm hiện tại và trong tương lai khi áp lực tăng lãi suất ảnh hưởng đến NIM và tăng trưởng tín dụng. Đồng thời tỷ lệ nợ xấu và chi phí trích lập gia tăng và có thể trầm trọng hơn khi thị trường bất động sản đóng băng.
 
Mặc dù cho rằng định giá đang ở vùng rất hấp dẫn khi về gần mức thấp nhất 10 năm, song Dragon Capital dự báo triển vọng ngành ngân hàng khó vượt trội trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang thắt chặt. Do đó, nhà đầu tư cần phải theo dõi đà tăng lãi suất và những diễn biến xảy ra trên toàn cầu. Và quan trọng hơn hết, Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách nào để hỗ trợ lĩnh vực tài chính.
 
“Tâm lý tiêu cực kéo giá cổ phiếu của các ngân hàng đi xuống, từ đó có thể dẫn đến việc nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu sử dụng vốn vay buộc phải bán ra và khiến diễn biến giá cổ phiếu kém khả quan trong thời gian dài hơn”, SSI Research lưu ý.