Một số ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để có thể bán lợn qua biên giới nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi trong bối cảnh giá lợn hơi xuống dưới giá thành.
Cuối tháng 10/2022, báo chí có phản ánh thông tin về việc "Mở cửa xuất khẩu lợn tiểu ngạch để cứu giá", trong bối cảnh giá lợn hơi những ngày gần đây rớt xuống còn 50.000 đồng/kg. Một số ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để có thể xuất bán lợn qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc phối hợp nghiên cứu vấn đề xuất khẩu thịt lợn.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung báo chí phản ánh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NNPTNT chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phân tích: lo đảm bảo sản lượng thịt cho tiêu dùng dịp cuối năm và dịp Tết là hợp lý. Tuy nhiên, giá lợn hơi hiện nay đang thấp hơn rất nhiều so với giá thành, trong khi giá thức ăn chăn nuôi rất cao.
Với mức giá lợn hơi như hiện nay người chăn nuôi không có lãi. Do vậy, cần tìm nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nhằm nâng giá lên, giúp người chăn nuôi có lợi nhuận, đảm bảo duy trì sản xuất ổn định. "Nếu xuất khẩu thịt lợn được thì tốt quá, thậm chí đó là giải pháp hiệu quả nhất về lâu dài cho ngành chăn nuôi", ông Dương nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai: "Giá thịt lợn trong nước hiện nay đang có sự chênh lệch khá lớn so với các nước lân cận. Do đó, Nhà nước cần có chính sách điều hành linh hoạt, kể cả xem xét xuất sang Trung Quốc theo hình thức mậu biên, trao đổi hàng hóa qua biên giới".
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, thời gian qua, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hàng năm. Hiện nay, lượng thịt lợn xuất khẩu vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng xuất chuồng.
Nguyên nhân do những hạn chế ở khâu chế biến, công tác dự báo thị trường cung cầu để điều tiết sản xuất cũng như phòng chống dịch bệnh chưa tốt, trong khi giá thành sản xuất chăn nuôi lợn ở nước ta cao so với mức bình quân trên thế giới. Do đó, giá thịt lợn ở Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác.
Sở dĩ, giá thành nuôi lợn ở Việt Nam cao do nước ta phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó chi phí này chiếm tới 65 - 70% cơ cấu giá thành nuôi lợn.
Trước đó, vào tháng 7/2022, trước diễn biến giá thịt lợn tăng cao, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung-cầu thịt lợn để thực hiện các biện pháp bình ổn giá, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…
Ngay sau đó, các địa phương đã triển khai kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới. Các tỉnh phía bắc đã kiểm soát chặt đường mòn lối mở để hạn chế giao dịch lợn hơi qua biên giới. Tương tự, các tỉnh khác như Kon Tum, Bình Phước cũng tăng cường ngăn chặn việc xuất khẩu lợn qua cửa khẩu Lào, Campuchia...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý 3/2022, Việt Nam xuất khẩu được 3,99 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 21,18 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu vẫn là đùi ếch đông lạnh (xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ, Bỉ và Pháp); thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Lào, Thái Lan…); thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm (xuất khẩu chủ yếu sang Malaysia, thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan…); thịt trâu bò tươi đông lạnh (xuất khẩu chủ yếu sang Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan).