Là tỉnh nông nghiệp, Bình Phước đang nỗ lực để trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp vùng kinh tế phía Nam. Để thực hiện được mục tiêu đó, Bình Phước cần nguồn vốn khoảng hơn 600.000 tỷ đồng.
Ngày 25/11, thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh này đã xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050. Bình Phước đưa ra các định hướng phát triển gồm có 3 ngành kinh tế quan trọng là công nghiệp, nông nghiệp và thương mại dịch vụ; 3 khâu đột phá (phát triển hạ tầng, nhân lực, cải cách thủ tục hành chính); 3 vùng động lực; 3 trục phát triển và 1 vành đai an sinh; 4 trung tâm đô thị; 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo dự thảo quy hoạch, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh, bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm, có thu nhập và nguồn thu ngân sách.
Một góc thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Tỉnh Bình Phước định hướng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính phủ điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số.
Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ và đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển giàu mạnh, văn minh.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong dự thảo quy hoạch, Bình Phước đưa ra dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 khoảng 600.000 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 210.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 khoảng 390.000 tỷ đồng; vốn khu vực nhà nước chiếm khoảng 16,7% tổng nhu cầu vốn đầu tư, vốn khu vực ngoài nhà nước khoảng 50% và FDI khoảng 33,3%.
Về tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bình Phước, giai đoạn từ năm 2005-2020: Quy mô kinh tế năm 2020 đạt 70.042 tỷ đồng (chiếm 3,62% GRDP vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm 3,9% GRDP vùng Đông Nam Bộ, chiếm 1,4% GDP cả nước), bằng 8,4 lần so với năm 2005. Tốc độ GRDP bình quân năm của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2005-2020 đạt 9,3%.
Cơ cấu theo ngành kinh tế phát triển theo xu hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế địa phương đang có những bước phát triển tích cực.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người/năm của tỉnh Bình Phước là 69,3 triệu đồng (tương đương 3.000 USD), bằng 107,6% so với cả nước, bằng 49% so với vùng Đông Nam Bộ, bằng 54% so với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Phước ước đạt 6,32%. GRDP bình quân đầu người đạt 74,9 triệu đồng, tăng 8,1% so với năm 2020.
6 tháng đầu năm 2022, GRDP của tỉnh tiếp tục ở mức cao, đạt 6,91%, đứng thứ 2 trong vùng Đông Nam Bộ; công nghiệp tăng trên 21,7%, xuất khẩu tăng trên 23,2% so cùng kỳ.
Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với khoảng 5.500 doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bình Phước thu hút được 18 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 48 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 354 dự án FDI. Tuy nhiên so với các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp và thu hút đầu tư của Bình Phước ở mức thấp.