• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.246,15 +0,06/+0,00%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:45:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.246,15   +0,06/+0,00%  |   HNX-INDEX   221,22   -0,46/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   92,93   +0,09/+0,10%  |   VN30   1.313,45   -1,36/-0,10%  |   HNX30   460,22   -1,58/-0,34%
22 Tháng Giêng 2025 1:48:18 CH - Mở cửa
Đồng Nai: Doanh nghiệp dệt may, giày dép đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn tin: Báo Đồng Nai | 29/11/2022 7:50:00 CH
Năm 2022 sắp kết thúc với nhiều khó khăn, thách thức đè nặng lên ngành dệt may, giày dép khi hàng tồn kho lớn, đơn hàng giảm 30-50%. Dự báo, tình trạng trên có thể kéo dài đến giữa năm 2023 và khả năng cuối năm sau mới có thể phục hồi.
 
 
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang
 
Dệt may và giày dép là 2 ngành sản xuất chủ lực của Đồng Nai nên sản xuất giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu nhập của nhiều lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may, giày dép trên địa bàn tỉnh đang cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất để giữ chân công nhân qua đợt khó khăn.
 
* “Mất” 2 mùa sản xuất
 
Gần 3 năm qua, ngành dệt may, giày dép của Đồng Nai cũng như cả nước liên tục phải đối mặt với những đợt “bão” lớn do dịch bệnh Covid-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine. Bắt đầu là chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, tiếp đến là thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, dịch bệnh lên đỉnh điểm khiến sản xuất ngưng trệ. Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, sản xuất dần phục hồi, DN chưa kịp mừng thì tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng mới nặng nề hơn. Đa số DN đều mong muốn đợt suy giảm này sẽ được rút ngắn để mùa sản xuất cuối năm sau không còn cảnh chật vật vì thiếu đơn hàng.
 
Ông Trần Quốc Bảo, quản lý sản xuất Công ty CP Giày dép Cao su màu (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Giày dép thường có 2 mùa sản xuất cao điểm là đầu năm và cuối năm. Năm nay, mùa sản xuất cuối năm bị ảnh hưởng bởi suy giảm toàn cầu nên đơn đặt hàng rất ít, công ty cố gắng duy trì sản xuất qua thời điểm khó khăn. Hiện đơn hàng cho mùa sản xuất đầu năm sau rất hiếm hoi, công ty đang trông đợi vào cuối năm sau, khi tình hình kinh tế thế giới phục hồi và ngành giày dép sôi động trở lại”.
 
Trong 10 tháng của năm 2022, ngành dệt may, giày dép của Đồng Nai đã xuất khẩu gần 6 tỷ USD. Dự tính kim ngạch xuất khẩu cả năm của 2 ngành hàng trên hơn 7 tỷ USD.
 
Tương tự, dự báo ngành dệt may cũng chịu chung cảnh có 2 mùa sản xuất ảm đạm vào cuối năm nay và đầu năm sau. Bởi vì, người tiêu dùng Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc - những quốc gia nhập khẩu nhiều sản phẩm dệt may, đều thắt chặt chi tiêu do lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đầu năm 2022, các nhãn hàng đã tăng đơn đặt hàng với nhiều nhà máy nên hiện lượng hàng tồn kho khá lớn.
 
Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai Bùi Thế Kích cho biết: “Mọi năm, vào cuối năm và đầu năm, đơn hàng may mặc rất dồi dào, đôi khi công ty phải từ chối bớt vì không đáp ứng kịp. Thế nhưng, cuối năm nay, số lượng đơn hàng của công ty giảm 30% và tình hình khó khăn có thể kéo dài đến giữa năm 2023. Công ty phải sản xuất thêm một số sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần và tìm thêm thị trường tiêu thụ mới để có việc làm, thu nhập cho người lao động”.
 
Một số DN cho hay, có những đơn hàng sản xuất không có lợi nhuận họ vẫn phải nhận để có việc làm cho người lao động.
 
* Chờ cơ hội mới
 
Dệt may, giày dép là 2 ngành sử dụng rất nhiều lao động, vì thế sản xuất bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều công nhân lao động trong các nhà máy. Hiện nhiều DN dệt may, giày dép trên địa bàn tỉnh đã phải cho lao động làm việc 4-5 ngày/tuần và không tăng ca. Các DN đang cố cầm cự, đợi cơ hội khôi phục và bứt phá vào cuối năm sau.
 
Bên cạnh đó, DN ngành dệt may, giày dép còn chịu thêm tác động từ giảm tỷ giá USD/VNĐ. Bởi vì, DN trên lĩnh vực này có nhiều chi phí được tính bằng USD như: nhập khẩu nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay…
 
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận định: “Ngành dệt may đang chịu tác động tiêu cực do sức mua toàn cầu giảm nên kéo theo đơn hàng của DN giảm từ 20-30% trong quý IV-2022 và quý I-2023. Trước tình trạng lạm phát, đồng tiền của các nước mất giá, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ngành dệt may đã đưa ra giải pháp đa dạng thị trường, chuyển đổi từ gia công sang tự nghiên cứu đưa ra thị trường những mẫu mới, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm”. Cũng theo ông Giang, khả năng phải đến quý III, IV-2023 ngành dệt may mới thoát khỏi khó khăn để phục hồi. Ngành dệt may vẫn đặt kế hoạch cho năm sau là xuất khẩu 47 tỷ USD.
 
Năm 2022, tình hình những tháng cuối năm không mấy sáng sủa nhưng ngành giày dép, túi xách Việt Nam vẫn nỗ lực đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 25 tỷ USD và đề ra kế hoạch cho năm 2023 là 27 tỷ USD. Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành sản xuất giày dép lớn nhất Việt Nam. Dự tính năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh đạt hơn 4,8 tỷ USD, chiếm gần 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước. Tương tự như dệt may, giày dép cũng kỳ vọng vào nửa cuối năm sau có thể phục hồi để tăng tốc hoàn thành kế hoạch.
 
Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn cho rằng, trong gần 3 năm qua, DN giày dép gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu, nhưng ngành giày dép đã “lội ngược dòng” để vượt qua và bứt phá. Đây là cơ hội để DN đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm cách thúc đẩy, chủ động nguyên phụ liệu trong nước để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh đó, DN tập trung khai thác các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do để hưởng các ưu đãi về thuế quan.
 
Tại Đồng Nai, giày dép là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và hầu hết các nhãn hiệu giày dép nổi tiếng thế giới đều có nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh như: Nike, Adidas, Puma…