Các doanh nghiệp cho rằng nguồn vốn và thủ tục là 2 điểm nghẽn chính của thị trường bất động sản.
Sáng 8/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản với sự tham dự của đại diện Bộ Xây dựng, HoREA và các doanh nghiệp địa ốc phía Nam. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rất khó khăn.
Theo báo chí, trong báo cáo tóm tắt cho cuộc họp, Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong triển khai dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý, đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tình sử dụng đất.
Mặt khác, song song với việc khó tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp cũng phải chịu sức ép chi phí khi lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng đều tăng cao.
"Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn đầu tư, thi công một số dự án, dừng triển khai dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO... Một số phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động", Bộ Xây dựng cho biết.
Thị trường bất động sản đang rơi vào trầm lắng.
Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Thành cho biết, về phía doanh nghiệp có khoảng 18 đại doanh nghiệp bất động sản và Hiệp hội Bất động sản TP HCM. Đại diện lãnh đạo mỗi doanh nghiệp được trình bày khó khăn, vướng mắc trong vòng 10 phút.
“Trong cuộc họp thì đại diện các diện các doanh nghiệp cho hay thị trường đang rất khó khăn, nhất là khi ngân hàng bắt đầu siết tín dụng đối với người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản”, ông Nghĩa nói.
Riêng về phía doanh nghiệp mình, ông Nghĩa cho hay, mình ý kiến, trình bày là xoay quanh điểm nghẽn pháp lý nhà ở xã hội.
“Hiện thủ tục xin nhà ở xã hội bị vướng rất nhiều luật. Quy trình luật đầu tư và luật nhà ở trái ngược nhau khiến doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Nghĩa chia sẻ.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Thành phát biểu trong một cuộc họp.
Mới đây, lãnh đạo Novaland đã chia sẻ với báo chí về mong muốn Ngân hàng Nhà nước có sự nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể để khách hàng, nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
“Một trong những giải pháp hiện nay là tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lớn, những dự án đã được thẩm định, được duyệt thì cần có sự cởi mở hơn trong việc tiếp cận tín dụng, giúp cho thị trường bất động sản ấm hơn”, vị lãnh đạo Novaland nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, tại cuộc họp, ông đã báo cáo thị trường bất động sản đang gặp phải vô vàn khó khăn, đứng trước khả năng rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO. Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động, tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.
Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có “rủi ro” do là sản phẩm hình thành trong tương lai.
"Việc bán dự án với 'giá hời' có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay", ông Châu nhấn mạnh.