Lợi thế rất lớn và gia tăng rất mạnh này tập trung tại các ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 của các ngân hàng thương mại đã công bố, nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tiếp tục gia tăng với quy mô lớn, chủ yếu tại ba thành viên là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank).
Nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước bắt đầu dồn cao tại ba ngân hàng thương mại trên từ đầu năm nay, tập trung dưới dạng tiền gửi VND có kỳ hạn. Đây là lợi thế gần như riêng của bộ ba ngân hàng lớn này, khi cơ chế lựa chọn gửi tiền của Kho bạc Nhà nước có sự sàng lọc lớn và chủ yếu chỉ tập trung tại đây; ngay tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), số dư của tổ chức này cũng rất hạn chế ở kỳ báo cáo tài chính gần nhất, quý 2/2022.
Tại 30/9/2022, tổng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank đã lên tới 86.244 tỷ đồng, gấp hơn chục lần so với số dư cuối năm 2021; tại BIDV lên tới hơn 121.000 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với cuối 2021; và tại VietinBank cũng đột biến tới 97.463 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với cuối 2021.
Tính chung, có trên 300.000 tỷ đồng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại ba ngân hàng thương mại lớn trên, trong đó chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn với đặc điểm có tính cố định hơn, lãi suất nhận được cao hơn nhiều so với tiền gửi thanh toán không kỳ hạn. Mặt khác, theo quy định hiện hành, tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước cuối ngày phải kết chuyển về tài khoản để tại Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, xu hướng gia tăng tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tiếp tục thể hiện rõ từ đầu năm đến nay, tại ba ngân hàng thương mại nói trên. Đây cũng là kỷ lục từ trước tới nay xét về nguồn tiền gửi có kỳ hạn.
Nguồn tiền gửi rất lớn này tạo lợi thế riêng có cho Vietcombank, BIDV và VietinBank, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đã và đang cạnh tranh nguồn và lãi suất huy động quyết liệt thời gian qua và hiện nay.
Ngược lại, lợi thế riêng và rất lớn trên cũng gắn với vai trò nóng cốt của ba ngân hàng thương mại lớn này trong bình ổn lãi suất trên thị trường, cũng như trong chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vay vốn hoặc trong giảm lãi suất cho vay, trong việc luôn áp lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường (thường thấp hơn từ 2-3%/năm so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân).
Nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đột biến nói trên gắn với cân đối ngân sách nhà nước, ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi ứ đọng, giải ngân đầu tư công năm nay rất chậm và tiến độ thấp.
Số liệu thống kê cho thấy, tới hết tháng 11, ngân sách nhà nước bội thu gần 280 nghìn tỷ đồng, vượt tới 16,1% dự toán năm và tăng 17,4% so với cùng kỳ 2021.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới chỉ đạt 52,43% kế hoạch; nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).