Trong báo cáo tháng 7/2022 về thị trường phân bón thế giới và triển vọng trung hạn đến năm 2026, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) đã đánh giá tình hình cung ứng phân bón hiện nay và đưa ra dự báo nguồn cung đến năm 2026.
Cuộc khủng hoảng nguồn cung hiện nay
Theo IFA, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng nguồn cung phân bón trên thế giới hiện nay là các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga và Belarut - hai quốc gia sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trước tiên đối với Belarut vào tháng 6/2021, sau một tranh chấp biên giới giữa EU và Belarut. Các biện pháp này sau đó đã được mở rộng và tác động trực tiếp đến ngành sản xuất phân kali của Belarut. Từ trước đến nay, phần lớn khối lượng xuất khẩu phân kali của Belarut đều được chuyển tiếp qua Litva để đến Biển Baltich. Nhưng từ khi EU ban hành lệnh trừng phạt, không công ty đường sắt nào chấp nhận vận chuyển sản phẩm từ Belarut qua lãnh thổ EU. Vì vậy, trên thực tế xuất khẩu phân kali của nước này ra thế giới đã bị phong tỏa.
Sau khi Nga tấn công Ukraina, các biện pháp trừng phạt mới đã được áp đặt lên nhiều cá nhân, tổ chức và ngành sản xuất của Nga. Tuy phân bón không phải là mục tiêu trực tiếp của các biện pháp trừng phạt, nhưng các trừng phạt tài chính đã mang đến tác động gián tiếp, đồng thời các biện pháp kiềm chế về hậu cần tại các cảng của Nga đã làm giảm dòng xuất khẩu phân bón.
Mặt khác, ngành sản xuất phân đạm tại Tây và Trung Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề vì sự sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Một trong những những quốc gia cung ứng phân bón hàng đầu khác là Trung Quốc đã đưa ra các hạn chế xuất khẩu để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước, do đó càng làm nguồn cung phân bón trên thế giới bị thắt chặt.
Dự báo nguồn cung phân bón
Trong dự báo nguồn cung, IFA đã đánh giá các dự án xây dựng nhà máy mới hoặc các dự án mở rộng công suất phân bón dựa trên kế hoạch đầu tư vào công suất phân bón của các nước thành viên Hiệp hội phân bón quốc tế, từ đó đưa ra 3 kịch bản dự báo nguồn cung: Kịch bản lạc quan, kịch bản trung bình và kịch bản bi quan.
Hiện nay, nguồn cung cả ba loại phân bón chính đều đang chịu ảnh hưởng của các kế hoạch đầu tư tại Nga và Belarut. đối với phân đạm, gần 1/3 các chương trình mở rộng công suất được dự báo trong thời gian 2022-2026 đang nằm ở Nga hoặc Belarut. Tỷ lệ các nhà máy đã được đưa vào vận hành trong 5 năm qua cũng tương tự, trong bối cảnh giá khí thiên nhiên thấp và vị thế xuất khẩu thuận lợi của hai quốc gia này.
Ngành sản xuất phân lân ít chịu tác động nhất của các kế hoạch mở rộng công suất ở hai nước nói trên, vì trong khi 1/4 công suất mới của giai đoạn 2017-2021 đã được đưa vào vận hành ở Nga thì 5 năm tới (đến năm 2026) các chương trình mở rộng công suất đều nằm ở châu Phi và Đông Á, hoàn toàn bên ngoài các quốc gia đang bị trừng phạt.
Phân kali là loại phân bón chịu nhiều tác động nhất của tình hình rối loạn nguồn cung, vì hơn 80% các kế hoạch mở rộng công suất đã dự báo đang nằm ở Nga. Dự báo của IFA không bao gồm một số dự án quy mô lớn trên thế giới, ví dụ mỏ Jansen của Công ty BHP tại Saskatchewan (Canađa), vì trong trường hợp tốt nhất những dự án này cũng chỉ có thể được đưa vào vận hành sớm nhất năm 2026.
IFA đã điều chỉnh công suất phân đạm tại Nga, Belarut và Ukraina dựa trên khả năng xuất khẩu phân bón của những quốc gia này trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt quốc tế cũng như các vấn đề hậu cần ở Ukraina. Công suất phân đạm tại Tây và Trung Âu cũng được điều chỉnh do sự đứt gãy nguồn cung khí đốt từ Nga. Theo kịch bản lạc quan, IFA dự báo công suất phân đạm năm 2022 sẽ giảm nhẹ 0,3 triệu tấn N so với năm 2021, trong khi đó kịch bản bi quan dự báo công suất sẽ giảm 5,7 triệu tấn N. Trong thời gian từ 2023 đến 2026, công suất phân đạm toàn cầu được dự báo sẽ tăng ở tất cả các kịch bản, đạt từ 113,4 triệu tấn N đến 120,0 triệu tấn N vào năm 2026 so với 112,6 triệu tấn N năm 2021.
Công suất phân lân toàn cầu được điều chỉnh dựa trên khả năng xuất khẩu của Nga, chi phí nguyên liệu tại châu âu và khả năng vận hành nhà máy Lifosa thuộc sở hữu của Nga tại Litva. Theo kịch bản lạc quan, IFA dự báo công suất phân lân toàn cầu sẽ duy trì ổn định so với năm 2021. Theo kịch bản bi quan, IFA dự báo công suất phân lân sẽ giảm 1,2 triệu tấn P2O5, trong khi đó kịch bản trung bình dự báo công suất phân lân giảm 0,4 triệu tấn P2O5 trong năm 2022. Về trung hạn, công suất phân lân được dự báo sẽ tăng trưởng bên ngoài khu vực Đông Âu và Trung Á (khu vực EECA). Công suất phân lân toàn cầu được dự báo sẽ tăng ở cả 3 kịch bản, từ 48,9 triệu tấn P2O5 năm 2021 lên 50,7 – 52,7 triệu tấn P2O5 năm 2026.
Công suất phân kali được điều chỉnh tại Nga và Belarut dựa trên khả năng xuất khẩu của những nước này, kể cả triển vọng xuất khẩu từ Belarut đến Trung Quốc. Theo kịch bản lạc quan, IFA dự báo công suất phân kali sẽ thấp hơn 4,1 triệu tấn K2O so với năm 2021, kịch bản bi quan dự báo công suất này sẽ thấp hơn 9 triệu tấn K2O so với năm 2021. Trong 5 năm tới, công suất phân kali ở tất cả các kịch bản được dự báo sẽ thấp hơn năm 2021 do chịu nhiều tác động của tình hình ở Nga và Belarut và do quá trình gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ diễn ra tương đối chậm. Những đánh giá trên dẫn đến dự báo công suất phân kali toàn cầu năm 2026 sẽ nằm trong phạm vi 36,0 – 43,2 triệu tấn K2O so với công suất 43,2 triệu tấn K2O đã đạt được năm 2021.
Trong bối cảnh tăng trưởng công suất như trên, IFA dự báo tiêu thụ phân đạm thời gian tới sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu của những hạn chế về nguồn cung và giá cả, tiêu thụ phân lân sẽ bị hạn chế vì giá cả, còn tiêu thụ phân kali sẽ bị hạn chế nặng ở phía nguồn cung.