TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 là rất cấp thiết và cần ban hành càng sớm càng tốt. Nghị định mới sẽ mang lại một năm quý giá cho cả nhà phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ/chuyên gia có ý kiến tham gia bằng văn bản đối với dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định gửi về trước ngày 15/12/2022.
Như Nhadautu.vn đề cập, dự thảo đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bế tắc suốt nhiều tháng qua, cùng với đó là giải được phần nào bài toán cho khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2023.
Để có thêm một góc nhìn, Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia về chủ đề này.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia. Ảnh: Trọng Hiếu.
Ông nhận định thế nào về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Dự thảo có một vài thay đổi rất quan trọng sẽ tác động lớn lên thị trường như sau:
Một là sửa đổi điều 8 của Nghị định 65, giãn thời gian thực hiện quy định này trong vòng 1 năm về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; tức là từ ngày 1/1/2024 mới tiếp tục thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo nghị định 65.
Cùng với đó là giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Đây là những quy định vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư không chuyên hiện nay tiếp tục đầu tư, lại giúp nhà phát hành mới có khả năng phát hành mà không bị vi phạm quy định. Về mặt pháp lý điều này rất quan trọng để hỗ trợ thị trường hồi phục trở lại trong thời gian ngắn tới.
Một số bổ sung quan trọng khác là: Cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép phát hành mới thêm 2 năm để đảo nợ.
Hay cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Điều này rất phù hợp với diễn biến thực tiễn của thị trường.
Có thể thấy trên đây đều là những sửa đổi, bổ sung vô cùng quan trọng, hứa hẹn có tác động lớn lên sự phát triển của thị trường, để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư. Khi đã lấy lại được lòng tin của nhà đầu tư thì thanh khoản khôi phục, giá bất động sản vì thế mà cũng sẽ hãm đà rơi, hồi dần lại.
Khi thị trường có thanh khoản, doanh nghiệp mới có thể tái cơ cấu được. Vì hiện nay, chủ yếu doanh nghiệp muốn tái cơ cấu là phải bán bớt tài sản. Nếu thị trường không có thanh khoản, không có ai mua - bán thì doanh nghiệp muốn tái cơ cấu cũng không làm được.
Việc sửa đổi Nghị định 65 theo Dự thảo Bộ Tài chính đề xuất hiện nay là rất cần thiết và nên được ban hành càng sớm càng tốt.
Vậy có lo ngại quy định quá nới lỏng dẫn tới rủi ro lớn hơn?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Theo tôi, những quy định trên cũng không phải là quá nới lỏng, mà phù hợp với yêu cầu của thị trường. Nếu Bộ Tài chính không tạo cơ chế để các doanh nghiệp tái cơ cấu mới là đáng lo ngại. Tình trạng tắc nghẽn nếu tiếp tục kéo dài thì sự đổ vỡ của thị trường sẽ là sớm hay muộn.
Muốn giúp doanh nghiệp tái cơ cấu trước tiên phải có lòng tin của nhà đầu tư. Quy định trong Dự thảo chủ yếu là làm được điều này, giúp nhà đầu tư có lòng tin, từ đó tạo thanh khoản cho thị trường. Nhà đầu tư sẽ bắt đầu quay trở lại đầu tư, nhà phát hành được giãn hoãn cũng dễ thở hơn để chờ đợi cơ hội giá bất động sản phục hồi, bán bớt tài sản để xử lý nợ, tái cấu trúc.
Vậy theo ông, một năm đã là đủ cho các doanh nghiệp và thị trường hồi phục như kỳ vọng của Bộ Tài chính?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là cũng phải tuỳ cơ ứng biến. Trước mắt tạm lùi lại 1 năm, sau đó tính tiếp. Một năm đó cũng có thể coi là khoảng thời gian quý giá để nhà phát hành có thể chuẩn bị tài liệu, hồ sơ phát hành đạt quy chuẩn để phát hành ra công chúng. Doanh nghiệp cũng có thể tranh thủ 1 năm để đẩy nhanh xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán, giúp thông tin minh bạch, phù hợp với các quy định hiện hành.
Đó cũng là một năm quý giá để Bộ Tài chính, nhất là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có thời gian để bổ sung nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu tiếp nhận hàng trăm, nghìn bộ hồ sơ sẽ được gửi lên vào khoảng năm 2024 chờ phát hành ra công chúng. Còn như hiện nay, nếu có hàng nghìn bộ hồ sơ đưa lên thì cũng không có ai xử lý nổi. Nên có muốn đẩy nhanh phát hành ra công chúng cũng vô nghĩa.
Hiện nay định hướng làm sao giảm dần phát hành trái phiếu riêng lẻ và đẩy mạnh phát hành ra công chúng nhưng cũng cần có thời gian để chuẩn bị. Việc chuẩn bị này là nhu cầu từ cả nhà phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý, xử lý hồ sơ như Uỷ ban Chứng khoán. Một, hai năm cũng chưa chắc đã đủ nhưng tới lúc đó lại tính tiếp hoặc có thể kéo dài thêm.
Ông dự báo ra sao về tác động của Nghị định mới tới thị trường?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là tác động sẽ rất tích cực và hưởng lợi đầu tiên là thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản sẽ không tiếp tục rơi xuống nữa. Từ đó, nợ xấu của các ngân hàng thương mại cũng không bị mở rộng. Vì khi giá bất động sản đi xuống sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng lên, còn giá trị tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản) của ngân hàng thì ngày càng mất giá.
Nghị định mới được ban hành cũng sẽ giúp cổ phiếu các công ty bất động sản, ngân hàng dần lấy lại giá trị, góp phần phục hồi từng bước thị trường chứng khoán.
Xin cảm ơn ông!
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Có các biện pháp cụ thể để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; trình Chính phủ trước ngày 20/12/2022.