Giữa việc giảm lãi suất và cung ứng vốn, nhiều doanh nghiệp ngành lương thực mong muốn trước tiên phải khai thông nguồn vốn, bởi hiện nay người nông dân trông chờ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì cạn kiệt nguồn lực, muốn mua tạm trữ cũng không được.
Tại hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long" (ĐBSCL), Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cho biết, việc thúc đẩy tín dụng để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu là vấn đề cấp thiết, không chỉ giải quyết hàng chục triệu tấn nông sản trong vùng, không chỉ liên quan doanh nghiệp thu mua nông sản mà còn liên quan tới cuộc sống của 17,5 triệu người ở ĐBSCL.
Ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ) bày tỏ: "Doanh nghiệp chúng tôi không cần hỗ trợ 0% lãi suất, nếu được thì tốt, nhưng cái doanh nghiệp cần là làm sao đủ nguồn lực tài chính, có lãi suất phù hợp, tiếp cận dễ dàng. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dành một phần hạn mức (room) tín dụng hỗ trợ các công ty thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản ở ĐBSCL".
Doanh nghiệp muốn ngân hàng có 'room' riêng dành cho ngành lương thực.
Đồng tình, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai cho hay, vấn đề giảm lãi suất nếu có thì rất tốt, nhưng trước tiên phải khai thông nguồn vốn. Có vốn thì doanh nghiệp mới xoay xở có tiền trả lãi ngân hàng. Người nông dân trông chờ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì cạn kiệt nguồn lực, muốn mua tạm trữ cũng không được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư đa quốc gia IDI (Đồng Tháp) đề nghị NHNN phải có gói tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản với lãi suất ưu đãi, đây là lợi ích thiết thực nhất đối với các doanh nghiệp.
Theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 11/2022, kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đạt các chỉ tiêu tích cực: Huy động vốn đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021. Dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối năm 2021. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.
Một số mặt hàng nông sản chủ lực của vùng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng: Dư nợ ngành thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng, tăng 16% và chiếm gần 54% dư nợ ngành thủy sản toàn quốc (trong đó: dư nợ cho vay cá tra và tôm đạt 62.953 tỷ đồng, chiếm 56% dư nợ cho thủy sản của vùng).
Dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc.
Từ những kiến nghị của doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, phân bổ tín dụng hợp lý cho khu vực trọng điểm như ĐBSCL.
Chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả,... để đánh giá về nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng ĐBSCL.
Các TCTD đã có những cam kết cung ứng đủ vốn tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, VietinBank cam kết dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.
Đại diện Agribank cho biết, trong năm 2022, Agribank sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó dự kiến khu vực ĐBSCL được giảm khoảng 300 tỷ đồng.
Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt nhu cầu vốn để kinh doanh xuất khẩu hàng các mặt hàng nông sản chủ lực.