Những lợi thế giúp Becamex tăng trưởng trong bối cảnh thị trường bất động sản đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Trong 9 tháng năm 2022, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) có doanh thu thuần tăng 46% lên 5.628 tỉ đồng, lãi ròng đạt 1.665 tỉ đồng, tương đương mức tăng trưởng 60%.
Trên thị trường chứng khoán, trong khi họ cổ phiếu bất động sản đồng loạt lao dốc, cổ phiếu
BCM của Becamex vẫn giữ được sự ổn định quanh mức giá 80.000 đồng và giá trị vốn hóa gần 4 tỉ USD. Dường như giới đầu tư đang đặt niềm tin Becamex vẫn vững vàng trước nguy cơ lãi suất tăng mạnh và thị trường nhà đất ảm đạm.
Nền tảng đầu tư của Becamex dựa trên 3 trụ cột chiến lược gồm khu công nghiệp, phát triển hạ tầng đô thị và kinh doanh dịch vụ. Ở mảng khu công nghiệp, Becamex nằm trong số các nhà đầu tư có quy mô lớn nhất cả nước với 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 5.000 ha.
Ngoài ra, Becamex cùng các công ty liên doanh liên kết như VSIP, BW Industrial... đang sở hữu hơn 15.000 ha khu công nghiệp trải rộng từ Nam ra Bắc. Chỉ tính riêng liên doanh VSIP năm 2021 ghi nhận lãi ròng gần 1.795 tỉ đồng - mức cao nhất trong số các chủ đầu tư khu công nghiệp hiện nay.
Những năm tới, bất động sản công nghiệp (gồm khu công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho...) tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm nhờ dòng vốn FDI sản xuất tăng trưởng ổn định và thương mại điện tử bùng nổ. Savills Việt Nam nhận định sự mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất tại Việt Nam đang được thúc đẩy bởi chính sách Trung Quốc + 1 với các công ty đa quốc gia có nhu cầu mở rộng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các xu thế này.
Một trụ cột khác mang lại kết quả tăng trưởng ổn định cho Becamex là mảng phát triển hạ tầng đô thị. Điểm khác biệt và có thể là chìa khóa giúp chủ đầu tư này ổn định chính là đa dạng hóa phân khúc kinh doanh, từ phát triển sản phẩm cao cấp, trung cấp đến nhà ở xã hội giá rẻ dành cho công nhân ở Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát và Bàu Bàng.
Các dự án nhà ở của Becamex chủ yếu tại thị trường Bình Dương, Bình Phước. Tổng quy mô lên đến hơn 1.000 ha. Phần lớn các khu nhà ở này gắn liền với quy hoạch các khu công nghiệp nên đảm bảo được nhu cầu ổn định ngay giữa lúc thị trường nhà ở gặp khó.
Becamex còn được giao làm chủ đầu tư của toàn bộ thành phố mới Bình Dương. Sau nhiều năm đìu hiu vì giao thông chưa phát triển, dân cư thưa thớt thì gần đây, thành phố này có dấu hiệu phát triển sôi động khi hạ tầng gia thông ngày càng hoàn chỉnh, các tiện ích về giáo dục, trung tâm thương mại, y tế, khách sạn... dần hình thành.
Bất động sản Bình Dương dự báo sẽ tiếp tục xu thế tăng trưởng tích cực trong những năm tới nhờ làn sóng dịch chuyển xa hơn các thành phố lớn. "Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vẫn đang được đầu tư mở rộng sẽ tạo điều kiện cho xu hướng này cũng như quan điểm mua nhà của khách hàng”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao của Savills Việt Nam, nhận định.
Không những thế, sở hữu quỹ đất giá rẻ đã tích lũy từ lâu có thể mang lại lợi nhuận tài chính cho Becamex khi thực hiện M&A dự án với các đối tác. Mới đây, thành viên của Becamex là Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã chuyển nhượng Uni Galaxy cho Gamuda Land với giá trị gần 1.300 tỉ đồng.
Năm 2023, Becamex có thể ghi nhận hơn 5.000 tỉ đồng doanh thu từ chuyển nhượng 18,9 ha đất tại thành phố mới Bình Dương cho CapitaLand. Vừa làm chủ đầu tư, vừa tăng cường M&A sẽ là chìa khóa giúp Becamex đảm bảo nguồn thu mảng bất động sản dân dụng tăng trưởng ổn định.
Hệ sinh thái của Becamex còn có mảng phân phối nước sạch, công nghệ - viễn thông, giáo dục, y tế, thương mại hay sắp tới đây là năng lượng sạch. Đây là mảnh ghép bổ sung, giúp bức tranh kinh doanh của Becamex phong phú hơn.
Becamex còn là tên tuổi đáng chú ý trên lĩnh vực hạ tầng giao thông khi trúng thầu dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương, Bình Phước như tham gia dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 13, cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn. Những năm tới, Bình Dương tiếp tục là địa phương trọng điểm về đầu tư hạ tầng với các tuyến giao thông kết nối liên vùng như cao tốc kết nối với Tây Nguyên, đường vành đai 3 và 4. Becamex có thể hưởng lợi nhờ xu thế này.
Năm 2023, Becamex có thể ghi nhận hơn 5.000 tỉ đồng doanh thu từ chuyển nhượng 18,9 ha đất tại thành phố mới Bình Dương cho CapitaLand. Ảnh: TL
Sở hữu quỹ đất rộng lớn, đa dạng dịch vụ, Becamex có tiềm năng trở thành một chủ đầu tư tích hợp theo mô hình khu đô thị - công nghiệp, vốn đang trở thành xu thế mà các doanh nghiệp khác đang hướng tới. Trong những khu đô thị này, tất cả các nhu cầu về làm việc, sinh sống và vui chơi của cư dân và người lao động được đáp ứng đầy đủ. Nhờ đó, giá trị của dự án cũng cải thiện hơn.
Tuy nhiên, hoạt động khá đa ngành và quy mô tài sản ngày càng lớn có thể gây áp lực không nhỏ cho Becamex nếu năng lực quản trị không cải thiện theo. Với đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và các hạ tầng thiết yếu, Becamex luôn cần duy trì nguồn vốn đầu tư cao.
Hầu hết dự án bất động sản và hạ tầng chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ tài chính của các ngân hàng. Đòn bẩy tài chính cao hơn trong bối cảnh lãi suất vay vốn không ngừng biến động có thể gây áp lực lên dòng tiền. “Rủi ro còn đến từ khả năng chậm trễ trong việc triển khai các khu công nghiệp mới do vấn đề pháp lý và chi phí đền bù cao”, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI nhận định.