Xuất khẩu nông sản nói chung và hồ tiêu nói riêng của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá nhờ có trợ lực từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Năm 2022, kinh tế thế giới có nhiều biến động, lạm phát các nước tăng cao đã ảnh hưởng đến kinh tế, nhất là xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản nói chung và hồ tiêu nói riêng của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá nhờ có trợ lực từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Đây là một dấu hiệu tốt để ngành hồ tiêu có thể khôi phục, mặc dù gặp nhiều trở ngại trong thời gian cuối năm 2022 do đơn hàng giảm.
*Tác động mạnh từ lạm phát thế giới
Theo các chuyên gia ngành hồ tiêu, sau 6 tháng đầu năm, giá tiêu bật mạnh, đẩy ngành hồ tiêu lấy lại đà phát triển, cũng giúp cho nông dân sản xuất hồ tiêu nguyên liệu và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu có động lực sản xuất, xuất khẩu sau đại dịch COVID-19; đồng thời, những thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu.
Điển hình, tại thị trường Anh, Hiệp định thương mại tự do đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa đến với thị trường này thuận lợi. Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, Hiệp định UKVFTA đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh là không thể phủ nhận.
Sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh đã nói lên hiệu quả của Hiệp định này, sự tăng trưởng tùy theo nhóm hàng đều đạt từ 12% đến 19%. Ưu thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước khác là hơn hẳn.
Thế nhưng, vào những tháng cuối năm 2022, tình hình lạm phát và biến động kinh tế, chính trị của một số quốc gia trên thế giới đã khiến cho kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Kể từ đó, ngành hồ tiêu cũng rơi vào quỹ đạo này, khiến giá hồ tiêu suy giảm, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hồ tiêu.
Trước những biến động này, chỉ có 3 thị trường vẫn là thị trường nhập khẩu chủ lực của ngành hồ tiêu tại 3 châu lục là Mỹ, Ai Cập và Trung Quốc. Chính nhờ những thị trường chủ lực này mới giúp cho ngành hồ tiêu trụ được với đà suy giảm tiêu dùng trong những tháng cuối năm của thị trường thế giới.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết các thị trường trọng điểm đều giảm, kể cả thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á… Nguyên do của tình trạng trên là lạm phát ở các nước tăng cao, mọi hành vi tiêu dùng đều có sự điều chỉnh khiến sản lượng nhập khẩu giảm.
Tình trạng này không chỉ diễn ra với ngành hồ tiêu mà còn với nhiều ngành hàng xuất khẩu khác. Mặt khác, thời điểm năm 2019-2020, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh, nhiều nhà buôn lớn đã mua hồ tiêu dự trữ, hiện tung ra thị trường.
Đây cũng là nguyên nhân khiến các thị trường giảm nhập khẩu sản lượng hồ tiêu trong những tháng cuối năm bởi nhu cầu tiêu thụ giảm vẫn là yếu tố kìm hãm sự phục hồi của giá hồ tiêu những tháng tiếp theo, đặc biệt là 2 thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn trên thế giới là châu Âu và Mỹ, bà Liên nói.
Chính vì điều này, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong năm 2022 có sự chững lại, khiến cho ngành hồ tiêu chưa thể vực dậy con số kim ngạch 1 tỷ USD như 5 năm trước. Thống kê Hải Quan Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2022, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam ước đạt 978,4 triệu USD, sản lượng xuất khẩu ước đạt hơn 227.000 tấn hồ tiêu, tăng 4,3% về giá trị, giảm 13% về lượng xuất khẩu.
Sự tăng trưởng này chính là nhờ sự tăng giá trong những tháng đầu năm 2022, mới đưa ngành hồ tiêu trở nên khả quan hơn sau đại dịch COVID-19.
* Tìm cách khơi thông thị trường tiềm năng
Ngành hồ tiêu Việt Nam được các chuyên gia dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do hệ lụy từ những bất ổn của thị trường thế giới. Chính vì vậy, để có thể vượt qua khó khăn được dự báo trước này, ngành hồ tiêu luôn trong tư thế sẵn sàng tìm giải pháp ứng phó, khơi thông thị trường tiềm năng hỗ trợ cho xuất khẩu hồ tiêu.
Tuy nhiên, khi thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá nói chung, gia vị nói riêng vào những thị trường tiềm năng thì cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu kỹ đối tác.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền Giang, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Lâm Thành Hưng thì Trung Đông, châu Phi được đánh giá là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu các mặt hàng gia vị. Lý do là bởi, các quốc gia khu vực này sản xuất nông nghiệp hạn chế, phải nhập khẩu nhiều loại nông sản; trong đó, có gia vị.
Mặt khác, gia vị sản xuất nội khối không có tính cạnh tranh trực tiếp với gia vị Việt Nam. Đơn cử như tại thị trường Iran, hàng năm quốc gia này tiêu thụ 220.000 tấn gia vị; trong đó, nhập khẩu hơn 170.000 tấn. Do lượng nhập khẩu lớn, Iran được coi là trung tâm phân phối mặt hàng này của cả thế giới.
Với kinh nghiệm xúc tiến thương mại sang các thị trường trên thế giới, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, khi xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường Trung Đông, châu Phi, doanh nghiệp nên đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy cách đóng gói, đạt các chứng chỉ về an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định giá, có chứng chỉ Halal là một lợi thế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với những rủi ro như tranh chấp về hợp đồng mua bán như khối lượng, trọng lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, chủ thể của hợp đồng do người ký hợp đồng không có năng lực nhập khẩu, đối tác thanh toán chậm, biến động về tỷ giá.
Để hạn chế những rủi ro trên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch, điều tra thương nhân, cảnh giác với các thương vụ quá hấp dẫn, tìm hiểu thông tin qua các Thương vụ Việt Nam tại địa bàn Trung Đông, châu Phi, Phòng thương mại công nghiệp nước sở tại.
Trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp cần lưu ý lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp như: phương thức chuyển tiền hay phương thức nhờ thu,..., đồng thời cũng nên nhờ sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý và thanh toán quốc tế./.