Năm 2022 gặp nhiều thách thức, nhưng với nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hoạt động xuất khẩu vẫn ghi nhận đà tăng trưởng so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu duy trì tăng trưởng
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 dự ước đạt 2,52 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt 7,2% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa năm 2022 dự ước đạt 2,17 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2021, vượt 8,4% kế hoạch năm.
Nhiều mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như linh kiện điện thoại (tăng 35,4%), dệt may (tăng 19,6%), dây điện và cáp điện (tăng 219,5%), hoa quả chế biến và nước hoa quả (tăng 17%), bột đá vôi trắng siêu mịn (tăng 17,3%), viên nén gỗ (tăng 320%), giày, dép các loại (tăng 531%),...
Năm 2022, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và tận dụng hiệu quả những thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng hơn 127 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc (chiếm 24,6% tổng kim ngạch xuất khẩu), Hàn Quốc (chiếm 13%), Hồng Kông (chiếm 11,3%), Đài Loan (chiếm 7,8%), Hoa Kỳ (chiếm 11,3%),... Một số thị trường xuất khẩu mới trong năm nay như: Sao Tome và Principe, Costa Rica, Guinea Xích đạo, Niger, Djibouti, Palau, New Caledonia, Armenia, Comoros, Vanuatu, Cộng hòa Congo, Palau...
Có trên 340 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (bao gồm khoảng 200 doanh nghiệp nội tỉnh và 140 doanh nghiệp ngoại tỉnh) tham gia xuất khẩu hàng hóa của Nghệ An. Theo thống kê, có 11 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 30 triệu USD, 22 doanh nghiệp đạt trên 20 triệu USD. Một số doanh nghiệp tiêu biểu có tham gia hoạt động xuất khẩu thường xuyên và đạt kim ngạch khá (trên 30 triệu USD), cụ thể: Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty TNHH Merry&Luxshare Việt Nam và LUXSHARE - ICT (Nghệ An), Công ty CP May Minh Anh Đô Lương, May Minh Anh - Kim Liên, Công ty TNHH Kido Vinh, Công ty TNHH Em Tech Việt Nam Vinh.
Kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An năm 2022. Đồ hoạ: Hữu Quân
Chia sẻ về nỗ lực của ngành Công Thương trong thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Xuất, nhập khẩu, Sở Công Thương cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nắm bắt tình hình xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2022. Bên cạnh kết nối, tập hợp các lãnh đạo doanh nghiệp qua nền tảng số, thường xuyên trao đổi, cập nhật các thông tin về thị trường, nhu cầu sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu, chia sẻ kinh nghiệm về xuất, nhập khẩu, Sở Công Thương cũng chủ động tham mưu, tổ chức các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ C/O trong Hiệp định RCEP; Hội nghị gặp gỡ Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc, Australia và Trung Quốc với doanh nghiệp Nghệ An; Hội nghị tập huấn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cho các doanh nghiệp…”.
Phòng, xuất nhập khẩu, Sở Công Thương thường xuyên phổ biến, hướng dẫn cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu, và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp có liên quan. Năm 2022 cấp được khoảng 8.300 giấy C/O cho các doanh nghiệp (tăng 11,3% so với năm 2021); tư vấn và hướng dẫn các quy trình và thủ tục cấp C/O; khai báo C/O điện tử đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Còn những thách thức
Sở Công Thương nhận định, kết quả xuất, nhập khẩu thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp đã và đang tận dụng khá tốt các hiệp định thương mại tự do và đây tiếp tục là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa nhấn mạnh: Các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Dù vậy, doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trung Quốc ngày càng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông, thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hầu hết dây chuyền chế biến chè trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hiện đại, sản phẩm chủ yếu xuất thô. Ảnh: Thu Huyền
Đối với mặt hàng chè xanh của Nghệ An chủ yếu xuất khẩu sang Afghanistan, Pakistan, ngoài ra, còn có các thị trường Đài Loan, Iran và UAE là các thị trường cấp thấp. Thị trường Afghanistan thường bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế và lạm phát. Đây là các thị trường cấp thấp, không yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao, và khách hàng dễ ép giá. Hiện nay, tiêu chuẩn chất lượng của chè khó vào được thị trường khó tính, kỹ thuật cao vì đầu vào thu mua nhỏ lẻ từ người dân, vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chưa có vùng chè, vườn chè theo tiêu chuẩn; Công nghệ không đổi mới trong suốt 10 năm qua.
Hay mặt hàng bột đá vôi trắng xuất khẩu chủ yếu sang các nước như Ấn Độ hiện cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Malaysia do giá từ các nước này rẻ hơn nhiều. Trong khi đó, chi phí tăng khiến đã khó càng thêm khó. Ông Nguyễn Trung Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoáng sản và TM Trung Hải cho biết: Cước biển tăng nhiều lần trong khi giá không đổi khiến lợi nhuận giảm sâu. Các doanh nghiệp trong ngành đều gặp khó khăn, cạnh tranh lẫn nhau, không có sự liên kết nên giá sản phẩm xuất khẩu càng bị hạ thấp.
Doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần tận dụng cơ hội thị trường mới để tái cơ cấu sản xuất. Ảnh: Thu Huyền
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thậm chí phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của lạm phát và tỷ giá đồng tiền nước nhập khẩu thấp (Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, Lào,...). Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, thị trường xuất khẩu truyền thống của Nghệ An tại Lào gặp rất nhiều khó khăn do sự mất giá liên tục của đồng kíp. Sự mất giá của các đồng ngoại tệ như Euro, Kíp, Won... nhất là sự biến động của đồng USD cũng đã ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng ngoại thương, nhiều doanh nghiệp bị mất đơn hàng.
Tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga - Ukraine khiến việc vận chuyển hàng sang Nga có sự thay đổi, không thể đi thẳng mà phải chuyển tải qua các cảng thuộc châu Á. Doanh nghiệp phải đi đường vòng trong khi giá nhiên liệu và chi phí container đang tăng cao. Thời gian thanh toán bị lùi lại (trước đây cam kết trả tiền hàng sau 45 ngày, nay tăng lên 105 ngày).
Tàu container quốc tế BIENDONG MARINER cập cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền
Hoạt động xuất khẩu năm 2023 được dự báo sẽ đứng trước một số thách thức, vì thế, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,5 tỷ USD, cần đẩy mạnh công tác phát triển thị trường ngoại thương thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, tổ chức các đoàn kết nối giao thương,... nhằm tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, hạn chế rủi ro.
Tập trung mở rộng, phát triển một số thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Đông Nam Á, châu Âu,… Phấn đấu đưa thêm một số sản phẩm của Nghệ An xuất khẩu. Nghiên cứu thị trường để định hướng sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các FTA, nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong các FTA…