Giá trị khớp lệnh trên HoSE phiên 22/12 chỉ đạt 8.400 tỷ đồng, giảm 21,5% so với phiên trước và là mức thấp nhất kể từ ngày 25/11.
Thị trường chứng khoán vừa chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp, VN-Index tăng nhẹ với diễn biến giằng co duy trì trong phần lớn thời gian. Dù vậy, thanh khoản thị trường lại tụt áp đáng kể với giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 8.400 tỷ đồng, giảm 21,5% so với phiên trước và là mức thấp nhất kể từ ngày 25/11.
Như vậy, sau khoảng một tháng giao dịch tương đối sôi động, thị trường bắt đầu có dấu hiệu ảm đạm trở lại dù biên độ dao động trong phiên vẫn khá lớn. Tâm lý thận trọng khi kỳ nghỉ lễ kéo dài đang đến gần có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể phần nào lý giải cho sự tụt áp của thanh khoản.
Thứ nhất, định giá thị trường đã “đắt” hơn tương đối so với thời điểm xuống đáy dù vẫn ở mức chấp nhận được. Theo dữ liệu từ Algo Platform, P/E trailing của VN-Index hiện dừng ở mức 10,7x cao hơn khoảng 12% so với giữa tháng 11. Mức định giá này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình 10 năm và tương đương với giai đoạn đáy Covid.
Rất nhiều cổ phiếu cũng đã hồi nhanh và mạnh trong giai đoạn nửa cuối tháng 11 kéo dài đến đầu tháng 12. Mức định giá thấp hiếm có trong lịch sử không còn khiến dòng tiền “nhỡ tàu” không mặn mà nhập cuộc. Mặt khác, áp lực buộc phải bán cũng không quá lớn dẫn đến giao dịch trở nên ảm đạm hơn.
Thứ hai, động thái mua ròng của khối ngoại đã có phần hạ nhiệt sau giai đoạn gom “ồ ạt” trên diện rộng. Những phiên gần đây, giao dịch đột biến của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào các “deal” thỏa thuận trên một số cổ phiếu nhất định. Khớp lệnh của khối ngoại đã có phần trầm lắng đi đáng kể với vài trăm tỷ trên 2 chiều mua-bán, thấp hơn nhiều so với con số hàng nghìn tỷ trong giai đoạn thị trường dao động quanh vùng đáy.
Không loại trừ khả năng, sự rút đi của dòng tiền được đồn đoán mang tên P-Notes (Participatory Notes) làm một trong những nguyên nhân khiến lực mua của khối ngoại “hụt hơi”. Đây là dòng tiền khó lường và tốc độ ra vào nhanh nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường trong ngắn hạn và thường được cho là mang tính đầu cơ cao. Ngoài ra, dòng vốn vào thị trường qua các ETF cũng đang có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn bùng nổ trước đó.
Thứ ba, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán. Theo VCBS, đà tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022. Điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên sự ổn định tỷ giá của VND so với USD, mục tiêu lạm phát và mặt bằng lãi suất trong nước.
VCBS kỳ vọng thanh khoản bình quân trong năm 2023 sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 - 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng giảm hơn 20-25%. Với đà giảm của giá cổ phiếu theo chỉ số VN-Index, giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022. Tương ứng, giá trị giao dịch trung bình sẽ đạt khoảng 12.000 – 1.400 tỷ đồng/phiên trên cả ba sàn.