Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa ký ban hành nghị định cấm bán lẻ thuốc lá (theo điếu) bắt đầu từ năm tới, trong nỗ lực tăng cường kiểm soát tiêu thụ mặt hàng có hại cho sức khỏe này.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa ký ban hành nghị định cấm bán lẻ thuốc lá (theo điếu) bắt đầu từ năm tới, trong nỗ lực tăng cường kiểm soát tiêu thụ mặt hàng có hại cho sức khỏe này.
Nội dung trên được quy định tại Mục 6 của Nghị định số 25/2022 sửa đổi Quy định của Chính phủ số 109/2012 về việc hạn chế chất gây nghiện trong các sản phẩm thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Trước đó, các nghiên cứu cho thấy việc dễ dàng mua lẻ thuốc lá điếu là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người hút thuốc lá ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới này.
Ngoài việc cấm bán lẻ thuốc lá điếu, Nghị định mới được ban hành cũng có các quy định về tỷ lệ cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh và chữ viết trên bao bì sản phẩm thuốc lá và thuốc lá điện tử.
Nghị định cũng điều chỉnh các hoạt động quảng cáo, khuyến mại và tài trợ cho các sản phẩm thuốc lá trên các phương tiện truyền thông, bên cạnh các biện pháp giám sát trên các phương tiện truyền thông, các biển quảng cáo trong nhà và ngoài trời. Nghị định còn bao gồm các chế tài và quy định các khu vực cấm hút thuốc lá.
Trước đó, Tổng thống Joko Widodo đã đặt mục tiêu nâng thu nhập từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá lên tới 232.500 tỷ rupiah (hơn 14,7 tỷ USD), sau khi thuế trung bình được điều chỉnh tăng 10% vào năm 2023 tới và năm 2024.
Ngày 12/12 vừa qua, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban XI (giám sát các lĩnh vực tài chính, Ủy ban Kế hoạch Phát triển Quốc gia, các tổ chức tài chính ngân hàng và phi ngân hàng) thuộc Hạ viện, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá sẽ tự động đẩy giá thuốc lá lên cao, qua đó giúp kiểm soát tiêu thụ mặt hàng này.
Theo bà Sri Mulyani - cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), hiện Indonesia đứng đầu thế giới về tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá, ở mức 71,3%, trong khi tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá ở nước này là 37,6%, cao thứ 5 thế giới.
Tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm thanh thiếu niên từ 10-18 tuổi tại Indonesia vẫn cao, được ghi nhận ở mức 9,04% vào năm 2022. Kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia (RPJMN) giai đoạn 2020–2024 đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm này xuống 8,7% vào năm 2024.
Bà Sri Mulyani cho rằng giá thuốc lá ở Indonesia tương đối rẻ, chỉ 2,1 USD/gói, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 4 USD/gói. Do đó, chính phủ ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tăng chỉ số giá thuốc lá, qua đó giảm mức tiêu thụ ở người dân./.