• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 6:17:21 CH - Mở cửa
Năm 2022 "thổi bay" một nửa giá trị vốn hóa của Amazon
Nguồn tin: Vietnam+ | 31/12/2022 9:40:00 CH
2022 là một năm tàn khốc đối với các cổ phiếu công nghệ có mức vốn hóa lớn trên toàn cầu. Nhưng đây là năm đặc biệt khó khăn đối với Amazon.
 
 
Cổ phiếu của “đại gia” thương mại điện tử đang kết thúc năm tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ bong bóng dot-com vào cuối thập niên 1990. Giá cổ phiếu của Amazonđã giảm 51% vào năm 2022, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ năm 2000, khi nó chứng kiến mức giảm tới 80%.
 
Trong khi đó, giá cổ phiếu của hãng sản xuất xe điện Tesla và tập đoàn công nghệ Meta- công ty mẹ của Facebook- lần lượt giảm 68% và 66% trong năm nay. Đây là các doanh nghiệp có một năm tồi tệ hơn cả trong số các hãng công nghệ có giá trị vốn hóa lớn nhất trên Phố Wall.
 
Giá trị vốn hóa thị trường của Amazon hiện đã giảm xuống còn khoảng 834 tỷ USD, từ mức 1.700 tỷ USD hồi đầu năm. Tập đoàn này đã rời khỏi “câu lạc bộ nghìn tỷ USD” vào tháng trước. Phần lớn những “tổn thương” của Amazon trong năm nay gắn liền với nền kinh tế và môi trường vĩ mô. Lạm phát tăng vọt và lãi suất cao đã đẩy các nhà đầu tư ra khỏi lĩnh vực tăng trưởng và chuyển sang các công ty có tỷ suất lợi nhuận cao, dòng tiền ổn định và mức cổ tức cao.
 
Nhưng các nhà đầu tư của Amazon còn có những lý do khác để bán cổ phiếu của tập đoàn này. Amazon đang phải đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng chậm lại, vì những dự đoán về sự bùng nổ thương mại điện tử bền vững sau COVID-19 không thành hiện thực.
 
Ở thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, người tiêu dùng bắt đầu phụ thuộc vào các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon để mua các loại hàng hóa cơ bản, từ giấy vệ sinh, khẩu trang cho đến đồ nội thất. Điều đó đã đẩy cổ phiếu của Amazon lên mức cao kỷ lục khi doanh số bán hàng tăng vọt.
 
Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, người tiêu dùng dần quay trở lại thói quen mua sắm truyền thống tại các cửa hàng và chi tiêu cho những thứ như du lịch và nhà hàng, khiến mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng của Amazon giảm dần. Tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn vào đầu năm nay, khi tập đoàn này phải đối mặt với chi phí hoạt động cao hơn do lạm phát, xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) và những hạn chế của chuỗi cung ứng.
 
 
Nhân viên làm việc tại một trung tâm phân phối của Amazon tại Moenchengladbach, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy, người kế nhiệm người sáng lập Jeff Bezos nắm quyền lãnh đạo vào tháng 7/2021, thừa nhận rằng Amazon đã thuê quá nhiều lao động và xây dựng quá mức mạng lưới kho hàng khi chạy đua để đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ đại dịch. Tập đoàn này buộc phải tạm dừng hoặc từ bỏ kế hoạch mở một số cơ sở mới và số lượng nhân viên của họ đã giảm dần trong quý II/2022.
Ông Jassy cũng đã bắt tay vào đánh giá trên diện rộng về chi phí hoạt động của Amazon, dẫn đến việc một số mảng kinh doanh bị đóng cửa và việc tuyển dụng lao động bị “đóng băng”. Tháng trước, Amazon đã bắt đầu thực hiện đợt cắt giảm việc làm được cho là lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn, với mục tiêu sa thải tới 10.000 nhân viên.
 
Ngay cả phân khúc điện toán đám mây của Amazon, thường được coi là “nơi ẩn náu của các nhà đầu tư”, cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu yếu nhất từ trước tới nay trong quý III.
 
Hướng đến năm 2023, một số nhà phân tích đã hạ dự báo của họ về triển vọng kinh doanh của Amazon, viện dẫn những khó khăn vĩ mô dai dẳng và sự yếu kém tiếp tục trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, cũng như mảng điện toán đám mây.
 
Nhà phân tích Mark Mahaney của Evercore ISI dự đoán mức tăng trưởng doanh số bán lẻ trong năm 2023 của Amazon chỉ đạt 6%, giảm từ mức ước tính trước đó là 10%. Ông cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng doanh thu hàng năm của Amazon Web Services từ 26% xuống 20%.
 
Tuy nhiên, Mahaney cho biết ông vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Amazon. Ông chỉ ra thị phần ngày càng tăng của Amazon trong lĩnh vực bán lẻ, đám mây và quảng cáo, khả năng cách ly rõ ràng của Amazon khỏi các rủi ro như thay đổi quyền riêng tư của quảng cáo và việc tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực như cửa hàng tạp hóa, chăm sóc sức khỏe và logistics.
 
Mặc dù những lo ngại về suy thoái kinh tế là có thật và ước tính doanh thu sẽ phải giảm xuống, nhưng theo ông Mahaney, cổ phiếu của Amazon vẫn được cho là “tài sản chất lượng cao nhất” xét về triển vọng doanh thu và lợi nhuận./.