Thị trường gần đây đã phát đi những tín hiệu tích cực khiến giá cổ phiếu tăng vọt. Cùng với đó, thanh khoản trở lại ngưỡng hàng chục nghìn tỷ đồng cho thấy chứng khoán đang bước vào thời kỳ tăng trưởng trở lại.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%, qua đó nâng mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 lên mức 15,5-16%.
Tác động từ nới room tín dụng
Đây là thông tin rất bất ngờ bởi trước đó, NHNN vẫn khẳng định không nới room quá 14% để kiểm soát lạm phát. Và thời gian qua, NHNN chỉ nới room cho một số ngân hàng thuộc nhóm Big 4 và các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.
Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.
Nhiều tín hiệu tich cực cho thấy thị trường chứng khoán đang bước vào thời kỳ tăng trưởng trở lại. (Ảnh: Int)
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank nhìn nhận, đây là thông tin rất tích cực, giúp khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Việc nới room tín dụng trong thời điểm này cho thấy chính sách của NHNN rất linh hoạt, mềm dẻo.
Cũng theo chuyên gia Maybank Investment Bank, thông tin này sẽ như “làn gió mới” giúp thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục tích cực trong ngắn hạn, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn. Lý do là thời gian gần đây, TTCK đã phục hồi khá mạnh nên khó có thể tiếp tục bứt phá, trong khi dòng tiền có thể sẽ có sự chọn lọc, phân hoá.
“VN-Index có thể tăng tích cực trong ngắn hạn, nhưng cũng chỉ một vài nhóm có thể được hưởng lợi”, ông Khánh nhận định.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, đây là giải pháp linh hoạt hỗ trợ cho nền kinh tế, đảm bảo tính thanh khoản của nhiều ngân hàng.
Tuy vậy, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, quan trọng là room tín dụng phải chảy vào đúng nhu cầu. Bởi dù còn dư room, nhưng việc xét duyệt cho vay còn khá nhiều khó khăn vì không đáp ứng đủ điều kiện của Thông tư 22.
“Thông tin nới room tín dụng sẽ giúp TTCK hưởng lợi trong ngắn hạn và một vài nhóm cổ phiếu cụ thể như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ sẽ có thể tăng tích cực”, ông Minh đánh giá.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý, nhìn về dài hạn, nhóm bất động sản vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi nút thắt về thanh khoản vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi vấn đề đáo hạn trái phiếu vẫn “bí đường ra”. Do đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có thể “lướt sóng” ngắn hạn, song về dài hạn chưa có nhiều thông tin hỗ trợ.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu bán lẻ lại được các chuyên gia đánh giá cao do động lực tăng trưởng cũng như tiềm năng còn khá lớn.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, vận tải hay các doanh nghiệp có dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được đánh giá là hưởng lợi.
Điểm sáng từ thanh khoản
Bên cạnh thông tin hấp dẫn về việc nới room tín dụng, TTCK gần đây còn ghi nhận điểm sáng đến từ việc thanh khoản thị trường trở lại ngưỡng hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi phiên, thay cho các phiên èo uột chỉ vài nghìn tỷ trong thời gian trước đó.
Giới phân tích cho rằng, dòng tiền đang chảy mạnh vào TTCK là bởi thị trường đang trông chờ vào những tin tức tích cực lãi suất có thể sẽ tăng chậm lại hoặc có thể sớm ngừng tăng trong giai đoạn tới. Sự hưng phấn này đã thúc đẩy khối nhà đầu tư cá nhân giải ngân dòng tiền ký quỹ, vốn còn dồi dào và thận trọng trong nhiều tháng qua.
Bên cạnh đó, nhiều công ty có nguồn tiền dồi dào đã đem đi đầu tư chứng khoán và thu các khoản lợi lớn.
Chưa kể, trong đó có sự đóng góp lớn từ hoạt động mua ròng của khối ngoại. Từ 3/11, khối ngoại đã duy trì mua ròng đến 2/12 với giá trị hơn 19.000 tỷ đồng.
Theo nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT Huỳnh Minh Tuấn, giá trị mua ròng khớp lệnh của khối ngoại có đóng góp hơn 30% từ các quỹ ETF, phần lớn là của Fubon FTSE Vietnam ETF. Quy mô danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF xấp xỉ 15.900 tỷ đồng. Đây là quỹ ETF bám sát theo chỉ số FTSE Vietnam 30 và đã giải ngân gần hết số tiền trên. Do đó, quy mô mua ròng trong tuần qua có "dấu chân" của một nhóm khối ngoại khác.
Ông Tuấn cho rằng, tiền này nằm ở một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư (P-Notes), được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
"Đây là dòng tiền khó lường và tốc độ ra vào nhanh, nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường trong ngắn hạn... Dòng vốn P-Notes này đầu cơ cực cao, vào rất nhanh và ra cũng rất nhanh", ông Tuấn nói.
Được biết, để phát hành P-Notes, các định chế tài chính lớn thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn, bao gồm các cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành một danh mục. Trên danh mục đó, các tổ chức tài chính này sẽ phát hành P-Notes cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào TTCK của nước sở tại.
Tại TTCK Việt Nam, cả 4 ngân hàng đầu tư nước ngoài có quy mô lớn là Deutsche Bank, HSBC, Citigroup và Merrill Lynch (nay là một bộ phận của Bank of America) đều triển khai phát hành các P-Notes cho khách hàng của mình ở nước ngoài. Mặc dù khó dự đoán chính xác nhưng khoảng thời gian mua mạnh nhất của P-Notes thường kéo dài khoảng 1,5-2 tháng. Hiện tại, dòng vốn này có thể đã vào khoảng 2 tuần.
Điều này cho thấy, thanh khoản thị trường vẫn còn khả năng cao sẽ dồi dào trong thời gian tới, và VN-Index sẽ còn duy trì được đà tăng tích cực, ít nhất cho đến đầu năm 2023.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lưu ý, con đường đi lên vẫn khá gập ghềnh chứ không bằng phẳng. Mặc dù dòng tiền vào thị trường khá mạnh, nhưng không được đều nên đà tăng của thị trường cũng khó bền. Chưa kể loạt cổ phiếu đã tăng bằng lần kể từ đáy, những người có lời hay gỡ chút lỗ cũng sẽ có xu hướng bán ra để bảo toàn tài sản. Hơn nữa, nhiều cổ đông lớn và quỹ của doanh nghiệp cũng đã tranh thủ chốt lời cổ phiếu và tái cơ cấu danh mục cho năm 2023. Do đó, nhà đầu tư cũng không nên vội vàng, mà cần cẩn trọng trong việc “lướt sóng” để bảo toàn danh mục.