Mức sụt giảm rất mạnh của VIC trong tuần qua đã ảnh hưởng nhiều đến đà tăng của VN-Index. Dù vậy các chuyên gia cho rằng chính sự tương phản giữa diễn biến giá VIC và điểm số của VN-Index thể hiện thị trường vẫn đang vận động tích cực và không quá phụ thuộc vào cổ phiếu trụ...
Mức sụt giảm rất mạnh của VIC trong tuần qua đã ảnh hưởng nhiều đến đà tăng của VN-Index. Dù vậy các chuyên gia cho rằng chính sự tương phản giữa diễn biến giá VIC và điểm số của VN-Index thể hiện thị trường vẫn đang vận động tích cực và không quá phụ thuộc vào cổ phiếu trụ.
Diễn biến này cũng khiến các chuyên gia nhấn mạnh vào việc lựa chọn và nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại. Dòng tiền đầu năm chưa nhập cuộc một cách ấn tượng như trước, thậm chí đang có xu hướng giảm nhẹ, nhưng các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 4/2021 tích cực vẫn thu hút được dòng tiền. Hiện tượng phân hóa này khiến việc xây dựng danh mục và phân bổ tỷ trọng hợp lý trở nên quan trọng hơn.
Chỉ số VN-Index đang tiến dần về đỉnh cao lịch sử.
Mặt khác, việc thị trường diễn biến khả quan mà không có sự lôi kéo của các cổ phiếu lớn cụ thể nào cũng cho thấy nét tích cực trong xu hướng chung. Mặc dù vậy, khi đánh giá cơ hội VN-Index vượt đỉnh lịch sử ngay trong tháng 2 này, các chuyên gia vẫn đưa ra các quan điểm khác nhau về thời điểm. Điểm chung được nhắc tới là xu hướng tăng cần tiếp tục có thêm sự gia tăng hơn nữa về thanh khoản. Việc giao dịch có sụt giảm về cuối tuần một phần do sự thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường đang tiến dần về đỉnh cũ.
Đánh giá chung về dòng tiền trên thị trường chứng khoán năm 2022, các chuyên gia cũng khá thống nhất khi cho rằng sẽ có sự cạnh tranh nhất định của kênh đầu tư này. Các dòng tiền nhàn rỗi trong dịch bệnh cuối cùng cũng sẽ lựa chọn quay về hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường khi nền kinh tế bình thường trở lại. Các rủi ro như lạm phát, lãi suất nhích tăng hay sự thay đổi trong chính sách lãi suất chung trên thế giới cũng sẽ có tác động.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết xoay quanh câu chuyện cổ phiếu VIC. Mã này đã sụt giảm 15,8% và ảnh hưởng tới gần 14 điểm của VN-Index. Tuy vậy chỉ số vẫn tăng gần 23 điểm. Như vậy có thể hiểu là phần còn lại của thị trường vẫn đang tích cực?
Tôi đánh giá câu chuyện của VIC là câu chuyện mang tính cá biệt của một cổ phiếu, còn trạng thái của thị trường được quyết định bởi toàn bộ dòng tiền. Thị trường vận động không quá phụ thuộc vào VIC. Ở những nhóm cổ phiếu có lợi nhuận báo cáo tăng trưởng, triển vọng kinh doanh 2022 khả quan vẫn thu hút được dòng tiền, và đóng vai trò nâng đỡ cho thị trường đi lên trong tuần qua.
Ông Nguyễn Văn Sơn
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tuy thị trường tuần vừa rồi đà tăng chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi cổ phiếu VIC nhưng vẫn giữ được trên 1500 điểm, tôi cho là tín hiệu khá tốt. Thị trường được nâng đỡ bởi dòng cổ phiếu Ngân hàng là chính tiếp đến là quá trình tạo đáy của nhiều dòng: Chứng khoán, Bất động sản, Thép... Do đó việc hiểu phần còn lại của thị trường vẫn tích cực là phù hợp.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Thị trường chứng khoán Việt Nam thường tăng điểm sau giai đoạn nghỉ tết Nguyên Đán, khi nhà đầu tư có xu hướng thực hiện các kế hoạch đầu tư, giải ngân mới, và năm nay cũng không phải ngoại lệ. Diễn biến điều chỉnh sâu của VIC đã phần nào cản trở sự hung phấn của thị trường, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30. Tuy nhiên theo tôi xu hướng chung vẫn tương đối thuận lợi và điểm tích cực là thị trường tăng không nhờ hiệu ứng kéo trụ ở 1 nhóm cổ phiếu cụ thể nào.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi đánh giá diễn biến tuần giao dịch đầu tiên của năm mới khá tích cực. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm thép, nhóm dầu khí, bất động sản khu công nghiệp... là tâm điểm của dòng tiền mua lên. Cho dù một vài cổ phiếu lớn giảm điểm mạnh như VIC nhưng phần còn lại của thị trường cũng đang có diễn biến giao dịch khởi sắc.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Mặc dù, VIC là cổ phiếu lớn và có tỷ lệ ảnh hưởng lớn tới Index nhưng lại không phải là dạng “cổ phiếu quốc dân”. VIC không được dòng tiền F0 hướng tới trong “đại sóng” hai năm qua, minh chứng là VIC dường như đi ngang và đứng ngoài con đại sóng. Cách đây hơn vài năm thì VIC có tỷ lệ ảnh hưởng hơn 10% lên VN Index, và giảm xuống quanh 6% như hiện nay.
Trong tuần vừa qua, sau kỳ báo cáo năm 2021, thì VIC được nhắc tới với câu chuyện lợi nhuận âm, và câu chuyện được đẩy lên cao khi các nhà đầu tư tổ chức có động thái thoát hàng, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư nước ngoài với áp lực bán ròng hơn 18,5 triệu cổ phiếu trong tuần qua, tương đương giá trị hơn 1.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tôi đánh giá câu chuyện của VIC là câu chuyện mang tính cá biệt của một cổ phiếu, còn trạng thái của thị trường được quyết định bởi toàn bộ dòng tiền hoạt động trên thị trường. Và như chúng ta thấy VIC đã lấy đi 14 điểm của VN-Index trong tuần qua nhưng chỉ số này vẫn tăng gần 23 điểm. Điều này cho thấy thị trường vận động không quá phụ thuộc vào VIC. Ở những nhóm cổ phiếu có lợi nhuận báo cáo tăng trưởng, triển vọng kinh doanh 2022 khả quan vẫn thu hút được dòng tiền, và đóng vai trò nâng đỡ cho thị trường đi lên trong tuần qua.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index tuần qua đã không có cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt nổi bật nhưng vẫn duy trì được trên mốc 1500 điểm. Tuy vậy thanh khoản lại suy yếu đáng kể. Anh chị đánh giá cơ hội để thị trường vượt đỉnh lịch sử trong tháng 2 này như thế nào?
"Tôi không cho rằng việc thanh khoản thị trường sụt giảm là tín hiệu đáng lo ngại. Khả năng cao chỉ số VN-Index sẽ vượt đỉnh ngay trong 1- 2 tuần tới."
Ông Trần Đức Anh
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Các giai đoạn chỉ số VN-Index tiệm cận mốc đỉnh cũ thường đi kèm thanh khoản suy yếu do tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng. Hơn thể nữa, việc nhóm cổ phiếu đầu cơ (cũng là nhóm đóng góp chính cho thanh khoản thị trường giai đoạn trước) không thu hút được dòng tiền do nhịp lao dốc trước đó cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường chung giảm mạnh.
Do đó, tôi không cho rằng việc thanh khoản thị trường sụt giảm là tín hiệu đáng lo ngại. Khả năng cao chỉ số VN-Index sẽ vượt đỉnh ngay trong 1- 2 tuần tới.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, tuần tăng điểm vừa qua mới dừng lại ở một nhịp hồi phục kỹ thuật sau khi đã tạo đỉnh ở đầu tháng 1, và đây như một phần quà “Lì Xì” cho những nhà đầu tư kiên trì nắm giữ cổ phiếu qua kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Dòng tiền xoay tua tại gần hết các nhóm ngành từ ngân hàng, chứng khoán, thép, khu công nghiệp, thủy sản... đều có mức phục hồi tốt 5 – 7% kể từ đáy. Điều này có được bởi áp lực cung đã được rũ bỏ vào nhịp giảm trước Tết. Nhưng chúng ta cần lưu ý là nhịp tăng điểm hiện tại lại không đi kèm với khối lượng tăng theo. Thanh khoản sụt giảm trong khi điểm số tăng là một tín hiệu cho thấy dòng tiền yếu.
Do vậy, theo quan điểm cá nhân, với thanh khoản hiện tại thì thị trường đang ít có cơ hội vượt đỉnh và đi xa. Hay nói cách khác là nếu thanh khoản không được cải thiện, và dòng tiền không tái gia nhập thị trường thì cơ hội vượt đỉnh trong tháng 2 này là khá thấp.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Diễn biến điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán thế giới cũng như những mối lo ngại về lạm phát gia tăng cũng đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân. Cho dù thị trường trong nước đã có tăng điểm 4/5 phiên giao dịch tuần qua nhưng việc tiến về vùng đỉnh cũ đã nhen nhóm từ một số phiên giao dịch giai đoạn trước nghỉ lễ Tết nguyên đán. Tất nhiên việc hồi phục ngắn của thị trường cùng với lo ngại về diễn biến khó khăn chọn lựa cổ phiếu giai đoạn hiện tại cũng khiến dòng tiền đầu năm nhập cuộc có phần thận trọng hơn.
Tôi cho rằng năm nay cơ hội sẽ ít hơn, làm cho các nhà đầu tư cũng dè chừng, e ngại hơn và việc thanh khoản của toàn thị trường tuần giao dịch đầu tiên của năm Nhâm dần là khiêm tốn. Khả năng vượt đỉnh vẫn là khá cao nhưng tôi đang phân vân giữ hoặc tuần cuối tháng 2 hoặc là phải sang tháng 3 diễn biến “break out” vượt đỉnh lịch sử mới có thể diễn ra.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Thường thị trường trước và sau tết thanh khoản thấp là điều dễ hiểu. Việc thị trường duy trì được trên mốc 1.500 điểm là khá tốt, nhưng tôi nghĩ để vượt đỉnh lịch sử thì dòng tiền cần được cải thiện nhiều hơn và duy trì quanh mức 30.000 tỷ trên sàn HOSE và càng lớn càng tốt.
Khả năng vượt đỉnh vẫn là khá cao nhưng tôi đang phân vân giữ hoặc tuần cuối tháng 2 hoặc là phải sang tháng 3 diễn biến “break out” vượt đỉnh lịch sử mới có thể diễn ra.
Ông Lê Đức Khánh
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Chứng khoán thế giới đang có những xáo trộn khá lớn khi lạm phát tăng đột biến dẫn tới những kỳ vọng tăng lãi suất mạnh tay hơn của FED. Trong nước thì lãi suất liên ngân hàng cũng đang có những tín hiệu tăng mạnh trở lại khi hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường kéo theo nhu cầu vốn tăng lên, lãi suất huy động cũng có tín hiệu nhích tăng. Đã có những phân tích lo ngại về khả năng dòng vốn vào chứng khoán bị cạnh tranh và sẽ không còn ồ ạt như năm 2021. Quan điểm của anh chị thế nào?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, yếu tố lạm phát là yếu tố quan trọng nhất quyết định hướng đi của các chính sách tài chính và tiền tệ của các nước trong năm 2022 cũng như các năm tới. Trong khi phần lớn các chuyên gia trên thế giới đều đồng thuận là lạm phát tăng đang là một xu hướng, chứ không còn mang tính thời điểm nữa rồi. Điều đó dẫn tới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cũng sẽ là xu hướng chủ đạo.
Chúng ta đã thấy, tại Mỹ, Anh hay liên minh Châu Âu đều có kế hoạch sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Như vậy là van bơm tiền ra đang thắt lại. Việt Nam tuy chưa có tín hiệu rõ nét về việc này, vì trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam ít tác động về mặt cung tiền như các nước trên. Tuy nhiên, Việt Nam lại chịu sức ép lạm phát do “chi phí đẩy” khi các nước lớn xuất khẩu lạm phát sang chúng ta. Điều này cũng là một yếu tố khiến Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc thận trọng hơn với quyết tâm duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay. Trong khi đó, nhu cầu vốn sản xuất có xu hướng quay lại mức bình thường, không chỉ kéo lãi suất tín dụng tăng theo mà còn thu hẹp lượng tiền nhàn rỗi tham gia thị trường chứng khoán hơn so với giai đoạn giãn cách.
Trong bối cảnh như vậy, tôi cũng đồng quan điểm là dòng tiền tham gia chứng khoán có thể không còn được dồi dào như 2021.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Trong những phiên tư vấn chia sẻ với khách hàng ở giai đoạn đầu năm tôi cũng đã nhấn mạnh về việc thị trường chứng khoán cho dù dư địa tăng điểm vượt đỉnh mới là sẽ diễn ra, nhưng sẽ không thể tăng mạnh với nhiều “sóng cổ phiếu” như năm 2021. Tuy nhiên thanh khoản toàn thị trường cũng có thể duy trì ở mức cao. Kinh tế hồi phục, du lịch đi lại, hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn có thể được phục hồi – kênh đầu tư chứng khoán mất đi đôi chút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư nhưng việc đi lên của thị trường chứng khoán vẫn trong giai đoạn phát triển tốt và có thể kéo dài thêm.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi cho rằng khả năng cao dòng tiền trên thị trường trong năm 2022 sẽ không dồi dào như năm 2021 do:
i) Mặt bằng lãi suất huy động kỳ vọng tăng nhẹ trước áp lực lạm phát cũng như nhu cầu vốn của nền kinh tế phục hồi;
ii) Dòng tiền nhàn rỗi giai đoạn dịch bệnh sẽ quay trở lại các hoạt động kinh doanh khi nền kinh tế vận hành trở lại;
iii) Sóng đầu cơ suy yếu và bản thân thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó kỳ vọng có thể bứt phá mạnh mẽ như 2 năm vừa qua làm giảm sức hút của kênh đầu tư này;
iv) Các rủi ro ngoại biên như FED tăng lãi suất, các rủi ro xung đột địa chính trị.
Dù vậy, với việc nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi mạnh nhờ dịch bệnh dần được kiểm soát, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ số VN-Index vẫn được kỳ vọng tiếp tục có 1 năm tăng trưởng bất chấp thanh khoản kém dồi dào.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi nghĩ việc dòng vốn vào thị trường chứng khoán bị cạnh tranh khi các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại trong tình hình dịch bệnh kiểm soát là điều hiển nhiên. Tôi đồng thuận với quan điểm dòng vốn vào thị trường chứng khoán không ồ ạt như năm 2021 nữa nhưng vẫn giữ ở mức tốt. Khả năng cao dòng tiền sẽ giao dịch quanh mức 20.00 tỷ trên sàn HOSE.
Thị trường tuần vừa rồi đà tăng chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi cổ phiếu VIC nhưng vẫn giữ được trên 1.500 điểm, tôi cho là tín hiệu khá tốt. Thị trường được nâng đỡ bởi dòng cổ phiếu Ngân hàng là chính, tiếp đến là quá trình tạo đáy của nhiều dòng: Chứng khoán, Bất động sản, Thép...
Ông Nguyễn Việt Quang
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Dòng tiền sụt giảm tuần qua như thể vẫn còn hương vị của nghỉ Tết. Anh chị thì sao, đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu đến mức nào, hay vẫn chờ đợi kết quả đột phá đỉnh một cách rõ ràng?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi thích sự giao dịch tập trung và thích một số cổ phiếu tiềm năng điển hình nhất ở một số nhóm ngành. Tỷ trọng cổ phiếu tôi vẫn cao nhưng năm nay danh mục đã không còn dàn trải như năm ngoái. Tôi nghĩ việc phá đỉnh của VN-Index là không quan trọng đối việc đang nắm giữ các cổ phiếu như thế nào.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi vẫn tập trung trading trên danh mục hiện có để giảm dần giá vốn xuống. Do thanh khoản thị trường vẫn ở mức không cao nên tôi chưa gia tăng tỷ trọng tuần vừa rồi và chờ đợi tín hiệu tích cực từ dòng tiền.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình cao.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Như đã chia sẽ ở trên, thị trường năm nay có thể bớt sôi động hơn năm trước. Dòng tiền thị trường sụt giảm trong tuần qua đến từ sự chững lại của nhóm nhà đầu tư F0, khi lượng mở mới trong tháng 1 tuy vẫn ở mức cao nhưng đã giảm trở lại so với các tháng cuối năm 2021, và đây là xu hướng hay chỉ là diễn biến nhất thời thì cần thời gian kiểm định. Thị trường cũng đang hướng tới một kịch bản cân bằng trong ngắn hạn trước khi xác định rõ hướng đi. Vì vậy, tôi vẫn cho rằng tỷ trọng danh mục nên giữ ở mức 50% là hợp lý, và nên chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn để thay đổi vị thế hiện có.