Phiên đáo hạn phái sinh tháng 2 vừa diễn ra khá bất ngờ, VN30 thể hiện quyền lực với những pha chạy đà rồi đột biến ATC...
VN-Index phiên 17/2
Đột biến ATC
Trong đúng 1 tuần, VN30 đã có quá nhiều biến động trái ngược nhau. Tuy nhiên, bằng động thái tăng dứt khoát, với màu xanh bát ngát, thì mọi sự căng thẳng nhà đầu tư đã phải nếm trải đều có thể được tha thứ.
Giai đoạn tiền đáo hạn phái sinh thường kéo có những biến động khó chịu và trong đúng 1 tuần trở lại đây, thị trường đã liên tục đi qua nhiều sắc thái.
Hai phiên phiên điều chỉnh nhẹ rồi tới phiên 14/2, Ngân hàng gieo rắc sự lo lắng bằng nhịp giảm sâu. Nhưng cũng tới phiên 15/2, Ngân hàng lại kết hợp cùng các cổ phiếu lớn để giúp thị trường hồi phục mạnh.
Và tới ngày đáo hạn phái sinh, Ngân hàng cũng hợp tác với các cổ phiếu lớn khác để đưa VN-Index về đúng mặt bằng điểm số cuối tuần trước.
Thực sự ngay trong phiên thì biến động của thị trường cũng rất kịch tính. Các nỗ lực tăng điểm chỉ thực sự xuất hiện từ phiên chiều sau các biến động lình xình.
Các pha bứt tốc được ghi nhận ở GAS (+3,2%), MSN (+3,1%) cùng sắc xanh đồng loạt ở các cổ phiếu Ngân hàng như BID (+1,9%), VPB (+1,8%), MBB (+1,7%).
Theo thống kê, VN30 có tới 29 mã tăng so với chỉ duy nhất một mã giảm là BVH (-0,9%). Điểm mấu chốt là có tới 15 mã trong rổ đóng cửa cao nhất phiên và điều này chắc chắn sẽ tạo được dư âm tăng giá cho các phiên sau đáo hạn phái sinh.
VN30 chốt phiên tăng tới 19,04 điểm lên 1.540,51 điểm và VN30F2202 cũng bám sát biến động của chỉ số với mức 1.540,2.
Toàn HOSE cũng khép lại phiên giao dịch với màu xanh áp đảo khi có tới 278 mã tăng so với 151 mã giảm và 65 mã đứng giá tham chiếu.
Dù vậy, những cổ phiếu thực sự có tín hiệu tích cực vẫn chỉ giới hạn ở Cảng biển, Tiêu dùng, Bán lẻ như HAH (+6,62%), GMD (+3,64%), HAX (+6,9%), PET (+6,9%), DQC (+6,95%). Còn các mã Bất động sản như LDG (+0,83%), HBC (-0,92%), DIG (+1,54%), FLC (0%), CII (0%), ITA (-0,3%), LCG (-0,25%) sẽ phải đương đầu với bài toàn T+ trong các phiên tới.
VN-Index tăng được 15,9 điểm lên 1.507,99 điểm. Thanh khoản của HOSE phiên hôm nay có phần còn cải thiện nhẹ, đạt 615,8 triệu đơn vị, tương đương 19.463 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại ghi nhận lực mua được tăng cường trong phiên chiều, đạt gần 775 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều thuận theo VN-Index chốt phiên tăng lần lượt 0,26% và 0,55%. Giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 3.200 tỷ đồng.
*****
Như đèn cạn dầu...
Trước thềm đáo hạn phái sinh, thị trường như đèn cạn dầu, nhiều mã có truyền thống thanh khoản cao cũng giao dịch lờ đờ, có thoáng bùng lên rồi lại lịm dần, khó lướt sóng...
Nhóm Bất động sản đã nổi lên mạnh mẽ ở phiên hôm qua những cũng không còn duy trì được đà tăng. Nhà đầu tư thực sự không dễ lướt sóng các cổ phiếu này trong một tuần nhiều biến động do đáo hạn phái sinh.
Những diễn biến còn lại của phiên sáng không có nhiều tiến triển ở các cổ phiếu VN30 tuy nhiên các mã Midcap và Penny cũng gây ra thất vọng.
Trong đó, nhóm Bất động sản khó đem lại sự yên tâm cho nhà đầu tư đã đua lệnh phiên hôm qua. VCG (-0,9%), SCR (+0,5%), LDG (+0,3%), HBC (-0,55%), GEX (-1,03%) đều không ghi nhận được cầu vào thêm. Trong khi đó, CII (+2,4%), FLC (+0,8%), NBB (+2,6%) cũng không thể phát động xu hướng.
Vẫn chỉ là một số cổ phiếu ở nhóm Cảng biển, Bán lẻ, Dệt may như GIL (+3,4%), PET (+6,9%), HAX (+6,84%), GMD (+2,83%), HAH (+5,8%) thể hiện được bản lĩnh giao dịch. Nổi bật nhất là PET đang tiếp tục lầm lũi phá hết các kỷ lục giá mới.
Nhà đầu tư có lẽ nên đánh giá ở khía cạnh dòng tiền ngoại. Sau một phiên bán ròng nhẹ, khối ngoại đang trở lại mua ròng gần 200 tỷ đồng. Hiện KDC (-0,37%) đang là mã được khối ngoại ưu ái nhất với giá trị nhận được là 127 tỷ đồng. Kế đến là GMD (+38,5 tỷ đồng).
Tính đến cuối phiên sáng, VN-Index đang tăng 1,87 điểm lên 1.493,97 điểm (+0,13%). Tổng giá trị giao dịch đạt 11.129 tỷ đồng trong đó VN30 đóng góp gần 32%.
Còn HNX-Index đang vướng vào lực cản của CEO (-1,3%) và PVS (-0,7%). Chỉ số này đang ở ngay dưới tham chiếu, giảm 0,54 điểm xuống 428,58 điểm (-0,13%). Giá trị giao dịch đạt 1.266 tỷ đồng.
*****
Giao dịch lờ đờ...
Dù đã ghi nhận sự tụt thanh khoản của các cổ phiếu Ngân hàng từ phiên hôm qua nhưng việc chứng kiến trạng thái của nhóm cổ phiếu "vua" tiếp tục giao dịch lờ đờ vào sáng nay vẫn khiến nhà đầu tư cảm thấy hụt hẫng.
Cả nhóm hiện đang có nổi một cổ phiếu nào giao dịch được trên 100 tỷ đồng sau 1 tiếng giao dịch đầu tiên. Mã giao dịch tốt nhất là STB chỉ có được gần 90 tỷ đồng kế đến là TCB với 72 tỷ đồng.
Đây là mức thanh khoản khá tầm thường và dễ dàng để cho các cổ phiếu Midcap trên sàn vượt mặt. Hiện CII (+4,28%), HAH (+6,21%), FLC (+4%), GEX (-0,77%) cũng đều đang giao dịch trên 100 tỷ đồng.
VN30 vì vậy cũng mới giành lại một chút tỷ trọng giao dịch trên toàn HOSE, đạt hơn 29% giá trị giao dịch. Và các mã như POW (+3%), HPG (+1,2%), PDR (+0,8%) đang phải tích cực làm nhiệm vụ hỗ trợ thanh khoản. Trong đó, POW đang có nỗ lực áp sát trở lại vùng giá 19.000 đồng/cổ phiếu.
Với các cổ phiếu Midcap và Penny, câu chuyện tranh thủ cơ hội tăng giá trong ngày đáo hạn phái sinh vẫn đặt ra bài toán T+3 cho nhà đầu tư lướt sóng. Nếu như đà tăng của các mã Bất động sản như DIG (+0,95%), SCR (+1,67%), DLG (0%), VCG (-0,6%) không duy trì thêm thì hoàn toàn có thể đối mặt với lượng cung tiềm năng trong phiên thứ Sáu và thứ Hai đầu tuần sau.
Tương tự là các cổ phiếu Bảo hiểm như BVH (+0,35%), BMI (-1,02%) cũng đang khá hời hợt sau một phiên tăng tốc.
Khi VN30 trở lại vận hành bình thường, lực cầu sẽ khó đảm bảo sự hào hứng với các cổ phiếu trên. Hiện tại chỉ có CII (+4,28%), FLC (+2,8%), NBB (+4,71%) vẫn phát đi những nỗ lực tăng giá.
Các cổ phiếu có sự thể hiện khá bền bỉ nhất đang là các mã thuộc nhóm Cảng biển, Dệt may trong các cổ phiếu Midcap là GMD (+3,04%), HAH (+6,21%), GIL (+1,56%), TNG (0%).
Tính đến 10h, VN-Index đang tăng lên 1.496 điểm còn HNX-Index đang giao dịch tại 430 điểm.,