Qua gần 2 năm "đóng băng" vì dịch bệnh, việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ và du lịch, kỳ vọng du khách quốc tế trở lại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, từ đó giúp ngành hàng không hồi phục. Song, trên thị trường chứng khoán, để cổ phiếu hàng không thực sự “cất cánh” vẫn cần thời gian.
Ngay từ đầu tháng 2/2022, khi các thông tin về việc có thể mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế được đề cập đến, ngay lập tức nhóm cổ phiếu ngành hàng không đã có những phản hồi tích cực.
Phản ứng trái chiều
Cụ thể, những mã cổ phiếu ngành hàng không như
HVN của Vietnam Airlines,
VJC của Vietjet Air và Tổng công ty cụm cảng hàng không Việt Nam (
ACV) đã tăng giá liên tục trong vài phiên với mức khá mạnh. Thậm chí có phiên đã tăng đến mức giá trần.
Tuy nhiên, trong ngày 15/2, Việt Nam đã chính thức mở lại các đường bay quốc tế, trái ngược với đà phục hồi của thị trường, cổ phiếu hàng không lại khá “ảm đạm’. Chốt phiên,
VJC giảm nhẹ 0,57% về mốc 139.200 đồng/cp. Khối lượng giao dịch toàn phiên đạt rất thấp với chỉ hơn 900 nghìn cổ phiếu được giao dịch.
Tương tự, cổ phiếu
HVN cũng giảm 0,57% về mốc 26.250 đồng/cp. Tuy nhiên khối lượng giao dịch đạt khá với hơn 4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Trong dịp Tết vừa qua, các chuyến bay quốc tế cũng mới chỉ khôi phục lại được khoảng 30% so với trước đây.
Theo bà Bùi Thị Kim, Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, một số mã chứng khoán nhóm hàng không đã tăng giá với mức từ 10-15% tính đến thời điểm thông tin mở lại hoàn toàn các đường bay quốc tế được công bố. Tuy nhiên, nhịp tăng trên mang tính chất phản ánh kỳ vọng. Vì vậy, sau mức tăng trên, các mã như
VJC,
HVN,
ACV đã chững lại. Để giá cổ phiếu nhóm ngành này tăng mạnh, cần thêm một thời gian nữa khi các chuyến bay quốc tế có lượng khách trở lại như trước đây.
Thực tế cho thấy, trong dịp Tết vừa qua, các chuyến bay quốc tế cũng mới chỉ khôi phục lại được khoảng 30% so với thời kỳ bình thường trước đây.
“Số lượng khách quốc tế theo ghi nhận của Cục Hàng không từ 1/1/2022- 12/2/2022 đã đón 118.000 khách quốc tế, đây là con số rất đáng mừng. Tuy nhiên, nếu so với trước dịch thì đây là con số rất khiêm tốn”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin.
Mặc dù chưa thể khởi sắc ngay do những ảnh hưởng từ trước đó của đại dịch Covid-19, song việc chính thức mở lại đường bay quốc tế cùng việc mở cửa du lịch vào tháng 3 tới đây, đặc biệt là việc mở cửa cho khách du lịch quốc tế sẽ là yếu tố quan trọng để kích cầu ngành hàng không, mang lượng khách lớn không chỉ cho ngành hàng không, các công ty du lịch mà cả đối với các công ty cung cấp dịch vụ, thương mại ở trong nước có thể hồi phục lại các hoạt động như trước đây.
Thời điểm tích lũy cổ phiếu?
Theo một số công ty chứng khoán, dù cổ phiếu ngành hàng không được hưởng lợi từ các thông tin tích cực nêu trên. Tuy nhiên, cũng khó có thể hồi phục ngay theo hình chữ V, thúc đẩy giá cổ phiếu tăng dựng đứng được. Do đó, chưa thể kỳ vọng nhiều về nhóm ngành cổ phiếu này trong ngắn hạn, ít nhất cũng phải trung hạn trở đi.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, với động lực từ các chính sách kích cầu du lịch nội địa, thị trường trong nước vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính, trong khi vận tải quốc tế phục hồi chậm hơn do vẫn phải duy trì các biện pháp hạn chế ở mức hợp lý.
Bên cạnh đó, nếu các đường bay quốc tế mở cửa hoàn toàn thì có thể hồi phục mạnh bắt đầu từ cuối quý II đến đầu quý III năm nay. Theo đó, ước tính lượng khách nội địa và quốc tế năm 2022 là 30 triệu và 5 triệu hành khách, lần lượt tăng 89,9% và 4.661% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, việc nối lại các chuyến bay quốc tế vẫn cần thời gian để thử nghiệm trong những tháng đầu, dự báo lợi nhuận của nhóm hàng không có thể không quá khả quan trong nửa đầu năm 2022.
Đồng thời, mức độ hồi phục của các doanh nghiệp sẽ khác nhau đối với từng chuỗi giá trị trong ngành. Theo đó, các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất khi tần suất các chuyến bay được tăng lên, sau đó là các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, dịch vụ hàng không và suất ăn hàng không, cuối cùng là các doanh nghiệp vận tải hàng không sẽ hồi phục sau cùng.
Chẳng hạn, các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air sẽ có khả năng hồi phục tốt hơn do đội bay trẻ tiết kiệm nhiên liệu cùng vị thế thống lĩnh trên thị trường trong nước và quốc tế ở các chặng ngắn.
Trong khi đó, Vietnam Airlines đã phải tăng thêm 8.000 tỷ vốn bổ sung để tránh âm vốn chủ sở hữu, nhưng tổng công nợ vẫn chiếm đến 98% tổng tài sản sẽ cản trở việc mở rộng đội bay khi dịch bệnh được kiểm soát. Không chỉ vậy, Vietnam Airlines còn đang thực hiện bán 11 máy bay do khó khăn về tài chính.
Mặc dù tích cực tăng thị phần, nhưng Bamboo Airways lại chưa thể có khả năng gia tăng công suất khai thác trong năm nay khi vào tháng 8/2021, CAAV đã từ chối kế hoạch mở rộng của các hãng hàng không này.
“Đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu hàng không có khả năng hồi phục tốt, được thể hiện ở năng lực khai thác lớn với lợi thế cạnh tranh bền vững. Nhà đầu tư nên quan tâm đến một số cổ phiếu như
SCS của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn,
SGN của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn,
AST của CTCP Dịch vụ hàng không Taseco và
VJC”, một công ty chứng khoán khuyến nghị.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cũng lưu ý các doanh nghiệp cần có cơ cấu tài chính đủ an toàn để phòng rủi ro kế hoạch mở lại các đường bay không diễn ra thuận lợi, làm suy giảm tốc độ hồi phục.