Trong phiên giao dịch chiều 23/2, giá vàng giao dịch dưới mức 1.900 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất trong chín tháng trong phiên trước do tình hình căng thẳng liên quan đến Ukraine.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng hướng chú ý vào vấn đề lạm phát và khả năng các các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Vào lúc 14 giờ 31 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giữ ở mức 1.895,43 USD/ounce, sau khi tăng lên 1.913,89 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 1/6 trong phiên 22/2.
Chiến lược gia Ilya Spivak thuộc chuyên trang tài chính DailyFX (Mỹ) nhận định căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn là nhân tố ảnh hưởng đến thị trường vàng. Ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo "đợt trừng phạt đầu tiên” nhằm vào các thể chế tài chính của Nga và "giới tinh hoa" trong lĩnh vực này. Ông nêu rõ các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 23/2, được đưa ra có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ.
Chiều 23/2, giá vàng châu Á vẫn dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce. Ảnh minh họa: TTXVN
Cùng ngày, Anh thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ nước này đã quyết định dừng quá trình phê duyệt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức qua Biển Baltic.
Trong phiên 22/2, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng cao hơn, trước đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất trong tháng Ba. Lợi suất trái phiếu cao hơn và lãi suất tăng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Theo ông Spivak, khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất vàng sẽ có xu hướng giảm sau khi vấn đề liên quan đến Ukraine lắng xuống. Chuyên gia này cho rằng giá vàng có thể đứng ở mức 1.750 USD/ounce.
Tại Việt Nam, chiều 23/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 63,25-63,87 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.